Giới thiệu sách Hạnh Phúc Hôn Nhân Thời Mở Cửa
Hạnh Phúc Hôn Nhân Thời Mở Cửa
– Thế nào là yêu?
– Hạnh phúc có từ đâu?
– Làm thế nào dể tránh được những sai lầm trong hôn nhân?
– Ly hôn không phải là cách giải quyết mâu thuẫn gia đình…
Tác giả dưới góc độ của một chuyên gia nghiên cứu về y khoa, tâm sinh lý…đã đề cập đến vấn đề hạnh phúc hôn nhân thời kinh tế thị trường dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Với quan điểm khoa học, thẳng thắn và cởi mở – ông đã giúp bạn đọc nhìn nhận một cách khá đầy đủ những thực trạng của vấn đề hôn nhân, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp khắc phục để xây dựng một gia đình hạnh phúc ổn định và bền lâu.
Đôi nét về tác giả:
GS.TS Đoàn Xuân Mượu sinh năm 1931 tại xã Quảng Tiên, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, là một nhà khoa học trong lĩnh vực vi trùng học, nguyên Viện trưởng Viện Vacxin Quốc gia Việt Nam.
Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố trong lĩnh vực vi trùng học và bệnh truyền nhiễm như: “Tính chất kháng nguyên và cơ chế phản ứng ngưng kết hồng cầu” (Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, 1963); “Một số phương pháp nghiên cứu vi sinh vật học” (H-Khoa học Kỹ thuật, 1972); “Phương pháp phòng và điều trị bệnh truyền nhiễm” (Hội đồng tương trợ kinh tế, Mátxcơva, 1984); “Miễn dịch học và bệnh AIDS” (H-Y học, 2000) …
Từ giữa những năm 1980, ông bắt đầu quan tâm đến một số vấn đề mới trong nghiên cứu khoa học. Đó là vấn đề văn hóa giới tính và tình yêu, vấn đề khoa học tâm linh và con người. Hai vấn đề này được ông dành nhiều quan tâm nghiên cứu và sau hơn 30 năm tìm tòi, suy ngẫm, ông đã có nhiều công trình xuất bản đến với bạn đọc.
Về những bước chuyển mình đó, như GS Đoàn Xuân Mượu tâm sự: “Cuộc đời luôn có những sự tình cờ. Khoa học cũng vậy, có những sự tình cờ thật khó mà giải thích được. Tôi được Đảng và Nhà nước phân công học tập về Y khoa để chữa bệnh cứu người. Và tôi luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ đó. Nhưng không hiểu có một cái gì đó rất tình cờ lại thôi thúc tôi đi vào nghiên cứu về văn hóa giới tính, văn hóa tình yêu, đặc biệt là đi tìm hiểu về thế giới tâm linh và con người. Từ những ý tưởng trong đầu đến cách trình bày cứ như có ai đó ngoài mình, trên mình chỉ dẫn. Y học là nguồn gốc, là cơ sở để tôi tiến hành nghiên cứu các vấn đề khác, tuy nhiên, tôi nghĩ sự tình cờ đã dẫn tôi vào một con đường khác mà nhiều người biết đến mình hơn”.
Mời bạn đón đọc.