Giới thiệu sách Góc Nhìn Của Người Thông Thái
Robert Fulghum là tác giả của hai quyển sách Hạt giống yêu đời và Nội tâm bí ẩn. Ông sinh năm 1937, quyển All I Need To Know I Learned In Kindergarten (Hạt giống yêu đời) là quyển sách bán chạy nhiều năm liền của Amazon. Không những vậy, những quyển sách của Fulghum mang đến cho bạn đọc một cái nhìn khác, một góc nhìn khác đầy bao dung và yêu thương dù đó chỉ là những sự việc hết sức bình thường mà đôi lúc, ta bỏ quên nó hay để nó trôi đi trong vô vàn công việc hàng ngày.
“Góc nhìn của người thông thái” là một quyển sách như thế. Đây là quyển sách thứ 3 của ông được dịch sang tiếng Việt. Những câu chuyện của Fulghum hết sức bình thường và đơn giản như “Bộ sưu tập trên cánh cửa tủ lạnh”, nhưng với góc nhìn của Fulghum, ông cho rằng: “Khi bạn không còn được nhìn thấy những tác phẩm nghệ thuật mới bổ sung vào bộ sưu tập trên cánh cửa tủ lạnh, điều đó đánh dấu sự trưởng thành của con cái bạn. Vài năm sau đó, khi tủ lạnh nhà bạn lại đầy ắp những tác phẩm nghệ thuật mới, nghĩa là con cái của bạn đã trở thành những bậc phụ huynh. Khi đã lên chức ông, chức bà, bạn sẽ càng say mê hơn với các tác phẩm nghệ thuật trên cánh cửa tủ lạnh và sẵn sàng dán lên đó bất cứ thứ gì mà lũ cháu nội, ngoại yêu cầu.”
Hay trong “Trường học, trẻ con, người lớn và những điều phải học”, tác giả đưa ra một vấn đề mà khiến ta ngạc nhiên vì nó hẳn thế nhưng ta đã không để ý, đã để nó bị lấp đi: “Khi được hỏi tại nhà trẻ: “Bao nhiêu bạn ở đây có thể vẽ?”, mọi cánh tay đều giơ lên. Tất nhiên là tất cả chúng con đều biết vẽ. Thế các con có thể vẽ cái gì? Tất cả mọi thứ! Thế cảnh một con chó đang nuốt chiếc xe cứu hỏa trong rừng thì sao? Dĩ nhiên rồi. Thầy muốn con chó to cỡ nào?
“Ai trong số các con có thể hát?”. Tất cả đều giơ tay. Tất nhiên là chúng con có thể hát! Các con biết hát bài gì nào? Tất cả các bài ạ! Nhưng nếu các con không thuộc lời thì sao? Không sao, chúng con sẽ tự chế lời. Có vấn đề gì đâu, bây giờ chúng ta hãy cùng hát nhé! Bây giờ ư? Tại sao không! (…)
Câu trả lời của bọn trẻ luôn là “Có ạ!”. Lặp đi lặp lại như thế. Trong mỗi đứa trẻ luôn có một sự tự tin bẩm sinh, một nguồn vui vô tận và khát khao học tập không ngừng. Với chúng, mọi thứ đều có thể thực hiện được.
Thử hỏi với cùng những câu hỏi trên tại các trường đại học, cao đẳng. Chỉ một số rất nhỏ những cánh tay đưa lên khi sinh viên được hỏi họ có thể vẽ, có thể nhảy, có thể hát, có thể sơn màu, có thể diễn kịch hay chơi một nhạc cụ không. Không hiếm các trường hợp giơ tay đã trả lời cùng với một hạn định kiểu như: “Tôi chỉ chơi đàn piano, tôi chỉ vẽ về loài ngựa, tôi chỉ nhảy với nhạc rock and roll hay tôi chỉ hát dưới vòi hoa sen”.”
Vậy điều gì đã tạo nên sự khác biệt ấy? Và vì sao chúng ta dần mất hết sự tự tin khi lớn lên? Fulghum đưa ra vấn đề, và không ai khác là chính bạn phải có câu trả lời cho riêng mình.
Những mẩu chuyện dung dị dưới nhãn quan rộng mở của Fulghum trong “Góc nhìn của người thông thái” đã được viết bằng một phong cách gần gũi và khiêm nhường, dí dỏm và hấp dẫn với sự thông thái của riêng ông. “Góc nhìn của người thông thái” đem lại cảm giác ấm áp như thể ta đang ngồi dưới mái hiên nhà bà mình vào một chiều chủ nhật, thong thả nhấm nháp từng ngụm kem mát lành…
Mời bạn đón đọc.