Giữa dòng chảy lạc – tiểu thuyết thứ ba của Nguyễn Danh Lam – không có cốt truyện ly kỳ. Đó là chủ ý nghệ thuật của tác giả.
Xuất phát từ làm thơ và viết truyện ngắn rồi mới viết tiểu thuyết, Nguyễn Danh Lam vì vậy rất chú tâm tới vị thơ trong văn và những câu những chữ có sức liên tưởng rộng, bay bổng.
Giữa dòng chảy lạc cũng không có những nhân vật có tên riêng. Đó cũng là dụng ý lớn của tác giả.
Nhân vật anh là một thanh niên trẻ thất nghiệp và thất chí. Nhân vật ông có sức chở của một giới luôn gặp tình cảnh cá thiếu nước do mình quá ưu thời mẫn thế và cũng do mình sinh bất phùng thời. Nhân vật cô vừa rành mạch vừa bí ẩn và cũng luôn đi lạc trong chính bản thân mình.
Người đọc bị cuốn đi, không phải vì anh phức tạp hay cô đẹp hoặc ông nhiều triết lý mà vì sự đầy đặn, lấp lánh trong từng trang viết của một người biết rõ thời thế như lòng bàn tay mình.
Không cốt truyện để xoay quanh mà nhân vật vẫn xoay quanh được, không nhân vật có tên nhưng người đọc vẫn nhìn thấy dung mạo xã hội và chất người cùng chất con của họ, quả thật Nguyễn Danh Lam đã rất lên tay và đã làm tốt điều mình định làm.
Gấp sách lại, ta có thể rơi nước mắt với nhân vật này hoặc thấu hiểu cho nhân vật kia hoặc muốn hi vọng nhiều hơn cho cái thời của chính ta, đó là sứ mệnh của tiểu thuyết đấy.
Nếu có chút gì đáng tiếc thì vì sách hơi dày (370 trang). Giá nó chừng 250 trang, sức nén của nó sẽ mạnh hơn, tài năng tiểu thuyết của nhà văn cũng rõ hơn và nhất định hiệu quả đọc cũng sâu hơn.
Dạ Ngân
(Nguồn: Báo Tuổi trẻ)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn