Chị đã từng đoạt giải nhất văn chương Thủ Khoa Nghĩa (Giải do Hội Văn học-Nghệ thuật An Giang kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang tổ chức). Sau đó, năm 2009, tập truyện ngắn Lời thề đá của chị được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật trao giải C; năm 2010, với tập truyện Cô con gái ngỗ ngược, chị lại nhận được giải nhì cuộc thi Văn học tuổi hai mươi lần thứ IV do Báo Tuổi Trẻ tổ chức; và với truyện ngắn Người đàn bà đa tình, chị tiếp tục nhận được giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn do một một trang mạng xã hội tổ chức.
Khi trò chuyện với nhà văn Dạ Ngân, nhà văn Võ Diệu Thanh cho biết: "Tôi mê văn chương khủng khiếp. Từ hồi còn học tiểu học, hễ gặp đâu có chữ mang bóng dáng văn là tôi ôm đọc. Vừa nấu cơm,vừa giặt đồ thậm chí vừa đương lưới vừa đọc. Nội tôi rất sợ cháu mê văn, bắt chước tiểu thuyết rồi yêu sớm. May mắn là tôi chỉ chộp được những thứ dính tới thiếu nhi. Ví dụ như "Ti-mua và đồng đội", "Dòng sông thơ ấu", "Tây du ký", "Hai cây phong", "Tuổi thơ im lặng"… Tôi tự hỏi,sao quê ông Duy Khán có một cái gì đó rất thiêng liêng, ấm áp và lạ lùng. Quê mình có như vậy không? Tôi bắt đầu kiếm những điều giống như tuổi thơ im lặngtại quê của mình. Chỉ là tìm thôi, nghĩ ngợi vẫn vơ liên tục thôi. Tới khi gặp giải văn chương Thủ Khoa Nghĩa, cuộc thi hội văn học nghệ thuật tỉnh dành cho học sinh, những ý nghĩ đó bắt đầu bò ra giấy. Tất nhiên là rất mắc cỡ, dự thi cũng rất là lén lút. Mong mõi chăng là cái giải khuyến khích. Vậy mà được giải nhất, trị giá cỡ hai chỉ vàng. Học trò nghèo mà được vậy vinh dự lắm. Vậy mà tôi bỏ viết tám năm sau khi nhận giải. Làm kẻ "theo chồng bỏ cuộc chơi". Tôi viết lại năm 2004 và duy trì luôn tới nay là vì tôi thấy cá tính mình hợp với văn chương".
Khi đọc tác phẩm Gạt nước mắt đi, Thạc sĩ Dương Kim Thoa – BTV Đài Tiếng nói VN đã nhận xét xác đáng: "Có thể mỗi người sẽ thích tập truyện này ở một góc độ nào đó, cá nhân tôi, tôi thích ở cái sức sống mạnh mẽ đến kiên cường, bền bỉ, lắm khi đến mức "lì lợm" của những nhân vật trong này, nhất là phụ nữ. Không hiểu họ tựa vào đâu để có một sức mạnh khủng khiếp tới đó, nhưng dường như mọi thử thách, mọi nỗi đau chỉ như một thứ lửa để thử, để tôi thêm chất thép của niềm tin và nghị lực sống trong mỗi người. Đã tin, tin đến trọn đời, đã yêu, yêu đến nát lòng mới thôi, nhưng dù hờn giận, căm thù đến cùng cực, họ vẫn sẽ để dành lại một chút bao dung, một chút thứ tha để rồi tìm một cơ hội nào đó, một khoảnh khắc nào đó, sẽ gắng gạt nó qua đi mà sống với nhau cho nhẹ bước đường đời. Vậy nên tôi vẫn nghĩ, Võ Diệu Thanh không cực đoan khi xử trí với tính cách các nhân vật. Người mà đã có thể vì nhau trọn đời thì không lý gì, không thể buông bỏ cho nhau phần nào đó những lỗi lầm, chát đắng đã trót gây ra. Không hiểu sao tôi tin Võ Diệu Thanh đã đọc nhiều sách nhà Phật lắm trước khi viết tập truyện Gạt nước mắt đi. Cũng có thể cuộc sống đã dạy cho chị nhiều trải nghiệm đáng quý. Rằng làm người thì phải dũng cảm chịu thiệt, nhưng cũng không thể vì thế mà để tấm lòng chai sạn, lạnh trơ trước những khốn khổ của đồng loại".
Tập truyện này đã cho thấy rõ hơn diện mạo văn học trẻ ở đồng bằng sông Cửu Long. Các truyện ngắn Bùa ngải quê nhà, Nước mắt chày xuôi, Trên dòng kinh Tắt, Người đàn bà đa tình… thắm được tình cảm, ngôn ngữ của người phương Nam chân tình, chân tình, chất phác mà cũng rất quyết liệt. Tập Gạt nước mắt đi đã đem lại cho tôi cảm giác ấy.
K.X
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn