Lê Đạt là một người luôn bị ám ảnh về những câu chữ, ông thực sự là một kẻ viết tung hoành giữa “kỳ trận chữ”, ông xứng đáng là một “phu chữ” tận tuỵ, tận hiến và được chữ “bầu lên nhà thơ” – theo quan niệm của ông. Mượn cách nói của một nhân vật trong truyện võ hiệp Kim Dung, Lê Đạt là người “xem chữ nghĩa quý hơn tính mệnh”.
Cuốn sách “Đường chữ” của Lê Đạt do NXB Hội Nhà Văn và Cty Sách Bách Việt xuất bản và ấn hành vừa ra mắt độc giả Việt Nam.
Trong số những nhà thơ cùng thời, Lê Đạt là một độc đáo, một riêng biệt, một “nhân –cách – thơ”. Nếu khởi sự từ F. de Saussure (1857-1913), C. Peirce (1839-1914), ông – từ đầu đến cuối quan niệm “chữ đẻ ra chữ”, suốt đời chọn lựa chữ để mưu cầu sự đa nghĩa “những con chữ trong câu thơ dẫn dắt trên con đường tâm thức ra khỏi lối ngữ nghĩa “tiêu dùng” một chiều quen thuộc hằng ngày” (Bóng chữ). Lê Đạt càng viết càng say mê vì “nhà thơ ít nhiều có “ngoại cảm chữ””.
Một đời thơ “vẫy chữ thăng hoa”, Lê Đạt tạo được hàng trăm câu chữ “độc sáng” kiểu Lê Đạt, đó là “một ga xanh sót lại”, cây gạo cụt “tạm ứng nửa trời hoa trước đón nhau”, những “thủa xanh hai”, “hoa tuổi trắng lau quên”, “cột đèn rớm điện”, “phố nhau đầu”, “phố bổi hổi trời”, “em về trắng đầy cong khung nhớ”, “một đàn ngày trắng phau phau”, “vườn thức một mùi hoa đi vắng”, “nắng thon róc rách”, “nắng cúc lâm râm”, “tuổi nổi ao đầy”, “tuổi đèn”…
Trong những nhà thơ cùng trang lứa, Lê Đạt (cùng với Trần Dần) là nhà thơ vị chữ. Ông đề cao tinh thần lao động chữ của nhà thơ đến mức ông gọi nhà thơ là “Phu Chữ”. Phu hay cu-li cũng vậy, đều cực nhọc muôn phần. Ông ghét thứ thơ đơn nghĩa và gọi nó là “thơ lộ thiên”. Vì vậy ông chủ trương đào sâu vào chữ để tìm ra nhiều vỉa từ nhằm làm cho thơ đa nghĩa, cô đúc và sâu sắc. Theo Lê Đạt, “Vân chữ cũng quan trọng như vân tay ấy mà, có thể làm dấu ấn vào giấy thông hành của nhà thơ”. Thời kỳ chín muồi của thơ ông chính là thời ông cho ra mắt tập thơ Bóng Chữ gây xôn xao dư luận, khen chê “tóe lửa” trên văn đàn. Nhưng sau tất cả những tranh luận về thơ ông, người ta thấy ông có lý. Vậy là sự tìm kiếm sáng tạo mới của nhà thơ đã có tác động đến sự phát triển nền thơ Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX.
“Đường Chữ” của Lê Đạt ghi lại lịch sử một đời người, qua buồn vui một cá nhân, giữa thăng trầm của dân tộc, và trăn trở của một nghệ sĩ thường xuyên tra vấn ngôn ngữ. Ba yếu tố ấy quyện vào nhau làm nền cho tập thơ, nhưng thành phần thứ ba, những thí nghiệm ngôn ngữ có phần khúc mắc, che lấp tình, ý của tác giả, dễ làm người đọc lạc hướng và lạc lõng. Sự thật Lê Đạt chỉ tạo rung cảm mới bằng một vài thủ pháp : đảo ngữ, ẩn ngữ, nhấn mạnh vào ngữ âm, khai thác tính đa nghĩa trong từ vựng, sử dụng điển cố văn học một cách rộng rãi, từ tục ngữ, ca dao đến thi pháp nước ngoài. Khai thác kinh nghiệm những người đi trước, từ Baudelaire, Maiakovski đến thơ siêu thực và hiện đại Pháp, tiếp cận những lý thuyết văn học, ngữ học và nhân học mới, Lê Đạt thực tâm muốn làm mới thơ mình. Nói theo ngôn ngữ phê bình hiện đại, thì Lê Đạt khai thác triệt để khả năng văn học của ngôn ngữ về hai mặt từ hệ (paradigme) và từ tổ (syntagme), lịch đại (diachronie) và đồng đại (synchronie). Thơ Lê Đạt, dù cầu kỳ, cũng không thoát khỏi bốn cạnh của ô vuông đó.
Di sản văn chương của Lê Đạt để lại không thuộc loại nhiều về số lượng nhưng có độ phong phú và sức nặng của trọng lượng nghệ thuật. Quan trọng hơn nữa, qua toàn bộ di sản ấy, người ta có thể hình dung được chân dung của một người lao động văn nghệ đích thực. Và phải đến những trang viết cuối cùng của cuộc đời Lê Đạt, một phương diện khác, dẫu đã từng bàng bạc trong những sáng tạo nghệ thuật của ông, mới thực sự hiện hình rõ nét: chân dung của một người trí thức mang tên Lê Đạt. “Trong cơn lạm phát ngôn từ đang lan tràn trong xã hội ta ngày nay, nhiều khi người ta hay lẫn lộn các chuyên gia với những trí thức. Chuyên gia là một phẩm chất cần thiết của xã hội hiện đại lành mạnh và trí thức trước hết cũng cần phải là một chuyên gia. Nhà thơ là chuyên gia trong lãnh địa mênh mông chữ nghĩa của mình. Thế nhưng phẩm chất chuyên gia lại chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ của một người trí thức. Thậm chí, nếu đóng đinh trong cái lãnh địa nghề nghiệp của riêng mình, người chuyên gia không thể trở thành trí thức. Một trong những phẩm chất hàng đầu của trí thức là khát vọng vươn vượt ra khỏi thế giới trí tuệ chật hẹp của riêng mình để tìm đến những vùng vô biên của chân lý” (Đạo lý đối thoại – Phạm Xuân Thạch).
Những tiểu luận, đoản văn của Lê Đạt thể hiện rất rõ khát vọng này. Ông không chỉ thân thuộc với âm nhạc hay hội họa, những lĩnh vực rất gần với văn chương, mà ông còn là một trong số không nhiều những “người văn nghệ” ở Việt Nam tìm đến với những công trình khoa học cơ bản thuộc những lĩnh vực hết sức “khó nhằn” như vật lý lý thuyết. Tất cả đối với ông đều là những “người hàng xóm thân thiết” như tên một tiểu luận ông viết không lâu trước khi qua đời. Trong cuộc hành trình của mình trong văn chương Việt Nam hiện đại và đương đại, không nhiều lần, tôi bắt gặp một nhà thơ, xin nhấn mạnh, một nhà thơ, như Lê Đạt dám khẳng định một chân lý rất đơn giản: “Nhà khoa học không có tưởng tượng chỉ là một công chức khoa học thồ một khối kiến thức nặng nề trên lưng như “cái bướu của anh gù” (chữ của Nietzsche). Nhà nghệ thuật thiếu lý tính chỉ là một nghệ sĩ thứ phẩm mắc bệnh vĩ đại cũng cần chữa trị hoặc nên đổi nghề”. Thường khi, người ta bám vào những “cảm hứng”, “chất nghệ sĩ”, hay gì gì nữa để che dấu … cái bất lực của mình với tư cách nhà nghệ sĩ. Tất nhiên, ở Lê Đạt, những cuộc “vượt ngục” ra khỏi lãnh địa “chuyên gia chữ” còn có một khía cạnh đáng quý khác. Nó không chỉ là một cuộc lang thang dạo chơi hoặc một thú kiếm tìm “đồ trang sức chữ nghĩa” để cài lên thêm trang phục của mình. Đó là những cuộc tìm kiếm đích thực một cái gì đằng sau tất cả, đằng sau nghệ thuật, đằng sau khoa học.
Lê Đạt càng viết, chữ gọi chữ, chữ tương tác chữ, chữ kết hợp chữ làm nên những “thi ảnh” đẹp, táo bạo, lạ lùng… Chữ vẫy chữ làm nên nghĩa “liên văn bản” của thơ. Lê Đạt là một “kỳ nhân” giữa truyền thống và đương đại.
Điều gì khiến Lê Đạt nhiều lúc “cực đoan”, “bảo thủ” với thơ – đó là lúc người đọc có cảm giác ông vui “thú điền viên” khá sớm trong “vườn chữ” khi những “kỳ hoa dị thảo” chữ một thời cứ được kết hợp kiểu “mô hình hoá” khiến sự đọc ông hoá quen, hoá đơn điệu kể cả “nhạc tính” trong thơ.
Nhưng lắm lúc lại quý ông ở khả năng “tôn thờ chữ nghĩa”, khả năng luôn “tạm ứng” chữ cho ngày hôm nay một khi thơ có bước “quy hồi” với ngôn ngữ tự nhiên, đời thường, với tính truyện, với quảng cáo và nhiều những Pop Art… bởi ông là kẻ vốn “vui mồm lắp lẫn – nhiều kinh kệ không quen”…
T.Minh
(Nguồn: Báo Hà Nội Mới)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn