Giới thiệu sách Dưới Chín Tầng Trời – Tiểu Thuyết
Dưới Chín Tầng Trời – Tiểu Thuyết:
“Dưới Chín Tầng Trời” là câu chuyện trải dài qua những biến cố lớn lao của dân tộc: cải cách ruộng đất, phong trào hợp tác hoá ở miền Bắc, kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc, thời hậu chiến và thời mở cửa… Qua bi kịch của gia tộc Hoàng Kỳ, số phận long đong của những người dân làng Đoài, sự lụn bại của gia đình thương nhân Đức Cường sau giải phóng, con đường vươn đến quyền lực của cán bộ Trần Tăng, cuộc đời ba chìm bảy nổi của tỉ phú Đào Kinh, thân phận chín lênh đênh của những người đàn bà… đã hiện lên những sai lầm, ấu trĩ của một thời kỳ lịch sử mà bất cứ ai trong thời điểm đó, dù biết được hay không cũng chẳng thể vượt qua. Dưới ngòi bút trực diện, nhiều khi thô ráp, cùng với lối kể chuyện tràn những chi tiết rất thật của Dương Hướng, tưởng chừng như đã thấp thoáng cái nhân vật chính mà tác giả muốn hướng tới, muốn phác hoạ: lịch sử.
Dưới chín tầng trời là trần gian với đủ sắc màu, là ánh sáng và bóng tối, là hạnh phúc và khổ đau, là vinh quang và cay đắng… Và, dưới chín tầng trời cũng có biết bao điều kỳ diệu.
Nếu tiểu thuyết trước hết là cốt truyện thì tác phẩm này thừa sức hấp dẫn. Vì cốt truyện rất ly kỳ, nhiều tuyến nhân vật quan hệ éo le, nhiều tuyến hành động diễn ra các miền Trung, Nam, Bắc, có xóm làng và thành phố, có chiến trường ác liệt ở miền Nam và sinh hoạt nhộn nhạo, rối ren vùng biên giới phía Bắc… Một cuốn tiểu thuyết ngồn ngộn sức sống và đời sống, nóng hổi những tư tưởng của thời đại và những vấn đề thời sự của đất nước.
Cuốn tiểu thuyết này phản ánh đời sống xã hội xuyên suốt một thời kỳ dài lịch sử nước nhà với những biến cố dữ dội đã làm nên số phận của từng con người, thông qua họ hiện lên số phận của nhân dân, đất nước.
Mời bạn đón đọc.
Thứ Sáu, 30/11/2007
Tác giả Bến không chồng trở lại
Nhà văn Dương Hướng |
15 năm đã qua kể từ khi cái tên Dương Hướng và Bến không chồng được biết đến (cùng thời điểm với Nguyễn Khắc Trường của Mảnh đất lắm người nhiều ma và Bảo Ninh của Nỗi buồn chiến tranh), vào cái thời giải thưởng của Hội Nhà văn VN còn “có uy” lắm. Dương Hướng gọi 15 năm đó là “15 năm im lặng trong trăn trở” để nuôi ngày trở lại bằng một cuốn tiểu thuyết còn bề thế hơn: Dưới chín tầng trời(*).
Nhà văn Dương Hướng trò chuyện với Tuổi Trẻ nhân dịp trở lại văn đàn và về cuốn tiểu thuyết mới của mình:
– Thật ra cũng không hẳn là 15 năm qua tôi “buông bút” hoàn toàn. Sau Bến không chồng, tôi còn viết thêm một cuốn nữa đấy chứ: Trần gian đời người (khi tái bản đổi tên là Bóng đêm mặt trời), cùng hai tập truyện ngắn và truyện vừa nữa. Nhưng rồi bị cái bóng của Bến không chồng che lấp (Bến không chồng sau khi được giải đã được đạo diễn Lưu Trọng Ninh dựng thành phim, được dịch sang tiếng Pháp và tiếng Ý). Nói tới Dương Hướng là người ta chỉ nghĩ tới Bến không chồng. Chính vì sức ép đó mà tôi đã phải trăn trở và im lặng suốt 15 năm qua.
15 năm đối với người cầm bút quả không ngắn chút nào. Nhưng ngẫm cho cùng, nếu không có 15 năm ấy thì dễ gì hôm nay tôi có được Dưới chín tầng trời (DCTT).
* Nhưng lần này mảng hiện thực ông đưa ra là gì, sẽ kể chuyện “làng” hay “phố”?
– DCTT là sự tiếp nối về hiện thực xã hội trong Bến không chồng. Điểm xuất phát của các nhân vật trong DCTT cũng vẫn từ cái làng quê quen thuộc của tôi trong Bến không chồng. Từ đó, họ ra đi; người đi chiến trường, kẻ ra thành phố, kẻ ra cửa khẩu biên giới làm ăn buôn bán. Họ thành đạt hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau, được và mất là còn phụ thuộc vào thời vận… Giúp các nhân vật tỏa đi muôn nơi như thế, DCTT cố gắng trải rộng trên nhiều không gian và đi sâu vào các bước ngoặt, sự kiện quan trọng của đất nước trong suốt nửa thế kỷ qua.
Chiến tranh, hòa bình, thời kỳ mở cửa… – những bước ngoặt đó tác động rất mạnh đến từng làng quê, vùng miền, từng gia đình, từng số phận các nhân vật trong tác phẩm. Thông qua họ ta nhận ra vóc dáng làng quê đất nước mình.
* Cách nào để ông có thể “ôm” vào tác phẩm của mình cả một bề dày nửa thế kỷ của đất nước khi ngồi “zoom” hiện thực từ một tỉnh lẻ (nhà văn Dương Hướng hiện sống và làm việc tại Quảng Ninh – CTV)?
– Nói thật, ngồi viết văn ở tỉnh lẻ đôi khi cũng thấy “chồn chân” lắm vì khát khao được giao lưu mà mình thì không đủ xông xênh để đi đây đi đó được nhiều. Nhưng cứ nhìn Nguyễn Ngọc Tư xem, những gì cô ấy viết từ tít tận Cà Mau mà vẫn “bắt” bên Hàn Quốc phải dịch Cánh đồng bất tận được đấy thôi! Sức thuyết phục của một cây bút rõ ràng là phụ thuộc vào tác phẩm họ viết chứ đâu phải nơi tác phẩm ấy ra đời. Cố nhiên ở tỉnh lẻ cũng phải có cách tiếp cận “thế giới văn minh” theo kiểu tỉnh lẻ. Chịu khó đọc và nghe chẳng hạn. Thêm nữa là thái độ viết.
Cũng như khi viết Bến không chồng, tôi luôn cố đặt vấn đề một cách thẳng thắn, trực diện, không né tránh hiện thực, cho dù là một hiện thực nghiệt ngã nhất. Chẳng phải văn học thế giới, văn học Trung Quốc họ đã “thành thật lâu rồi” đấy sao? Quan trọng là tấm lòng người cầm bút gửi vào đâu. Tôi yêu thương những người nông dân quê tôi. Có thể nói, DCTT hoàn thành được chính là nhờ vào sự kiện trọng đại khi làng xã quê tôi đón danh hiệu anh hùng và nhân đó, tôi đã nhận ra rõ ràng nhất, sáng tỏ nhất từng gương mặt nhân vật của tôi. Việc còn lại sau đó giản đơn là bày tỏ tình thương yêu với họ trên trang viết.
* Anh mất bao lâu để hoàn thiện DCTT?
– Viết Bến không chồng chỉ mất nửa năm, DCTT mất những ba năm. Trong đó một năm cuối phải xin nghỉ việc không lương và chấp nhận bị cho là “hâm” để gấp rút “đóng máy” tác phẩm. 15 năm im lặng nhưng vẫn phải lo cho cả thảy bốn đứa con học hết đại học. Nhờ giời đến nay các cháu đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm và xây dựng gia đình riêng cả rồi.
* Cảm ơn anh.
THƯ QUỲNH thực hiện
Một bức tranh hiện thực cương trực, mạnh mẽ … Tựa như một Ai xuôi vạn lý trên giấy, DCTT trải rộng trên nhiều không gian: từ Bắc chí Nam, từ làng ra phố và lên cả vùng biên… Hơn thế, còn là “tham vọng” ôm vào lòng hầu hết biến cố lớn của dân tộc trong hơn 50 năm qua: cải cách ruộng đất, phong trào hợp tác hóa miền Bắc, cuộc kháng chiến chống Mỹ, hòa bình lập lại, chiến tranh biên giới và thời mở cửa… Tất cả được thể hiện qua số phận của hai tuyến nhân vật: gia tộc Hoàng Kỳ và những người dân làng Đoài. Vừa nhẫn nại, vừa náo động, DCTT đã kể một câu chuyện xúc động về sự trôi dạt của đời người: kẻ đi chiến trường lên tới cấp tướng, người thất cơ lỡ vận bỏ làng ra đi gặp thời mở cửa làm ăn giàu có thành tỉ phú… nhà văn không chỉ cố gắng gói gọn số phận thăng trầm của dân tộc qua hơn nửa thế kỷ mà còn thẳng thắn bóc trần hiện thực, vạch ra cốt lõi của những trò đầu cơ quyền lực, sự phản bội và những bi hài của mỗi đời người trong dòng xoáy của lịch sử. Một bức tranh hiện thực được vẽ bằng những nét vẽ cương trực, mạnh mẽ – thứ “của hiếm” lâu nay trong tiểu thuyết Việt giờ được hiển thị một cách đáng trân trọng. Trông nghiêng, cuốn sách có những trang viết đẹp ở vẻ mạnh và gắt, đủ sức giục người đọc bức xúc; lại có những trang viết rưng rưng ở một “nhà văn của người nghèo”. Song nhìn chính diện, DCTT dường như còn thiếu một bố cục đẹp, một hơi văn có duyên, cách kể chuyện nhiều chỗ còn hơi “quê”, hơi “mộc”, mà tiếc lại không phải là cái “mộc”, cái “quê” như vốn dễ được yêu trong thơ Nguyễn Bính… |
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
15 năm thai nghén Dưới chín tầng trời
Ngày 13-11-2007
Tiểu thuyết mới nhất Dưới chín tầng trời của nhà văn Dương Hướng, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, dự kiến sẽ ra mắt độc giả vào trung tuần tháng 11 này
–
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn