Cuốn sách Confessions of a Yakuza (tên tiếng Việt: Đời Yakuza) xuất bản lần đầu vào năm 1989 tại Nhật. Tác phẩm này ra mắt bạn đọc Việt Nam vào năm 2014và đến nay vẫn được nhiều người yêu thích tìm đọc.
Ấn phẩm là câu chuyện về cuộc đời Eiji Ijichi – một trùm yakuza về hưu đồng thời là bệnh nhân của bác sĩ Saga Junichi – tác giả cuốn sách. Câu chuyện có thật về cuộc đời chìm nổi của Eiji được kể lại trong những ngày tháng cuối cùng ông nằm trên giường bệnh. Mỗi câu chuyện được bác sĩ Saga Junichi thu âm, ghi chép, tập hợp thành sách và tạo tiếng vang lớn. Sách được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Không phải là một tác phẩm quá lớn, cũng không sở hữu thủ pháp văn chương khiến người đọc phải trầm trồ, Đời Yakuza là những dòng hồi tưởng của một ông trùm thế giới ngầm Nhật Bản. Nhưng đằng sau trang sách là bức tranh chân thật về đất nước và con người Nhật Bản trong hai cuộc Thế chiến.
|
Bìa sách “Đời Yakuza” bản tiếng Việt.
|
Trần trụi và không né tránh, đồng thời đầy tính nhân bản là những gì cuốn sách mang đến. Bối cảnh Nhật Bản trong sách là một đất nước bại trận, đang chìm sâu trong tăm tối và động đất. Qua từng mảnh ghép ký ức của Eiji Ijichi, từ lúc bỏ nhà ra đi năm 15 tuổi đến khi trở thành đại ca giang hồ lừng lẫy, độc giả như xem một thước phim sống động về cuộc đời sóng gió, nếm trải đủ cay đắng ngọt bùi số phận ban tặng cho ông.
Hãy tạm quên hình ảnh của các yakuza hiện đại trong phim ảnh ngày nay để đến với thế giới ngầm Nhật Bản đầu những năm 20 của thế kỷ trước.Yakuza thời kỳ ấy giống như môt loại hình “kinh doanh” có tổ chức và chuyên nghiệp. Công việc của họ là duy trì các sòng bạc, những ai kiếm tiền bằng cách khác đều bị xem là kẻ kém cỏi, bị chính người trong giới khinh thường. Các ông trùm là những người thông minh, rất có đầu óc. Họ biết cách chiều lòng các con bạc, biết cách giữ chân con bạc quay lại với mình lâu dài, biết sợ uy quyền của cảnh sát và tuyệt nhiên không dính dáng đến những chuyện đổ máu.
Không chỉ thế, yakuza còn biết tạo mối quan hệ tốt đẹp, lịch sự với láng giềng, với những con người bình thường dù cho họ có thể dùng đến vũ lực. Khi một gã yakuza vô văn hóa tiểu bậy lên biển hiệu nhà thường dân, một người cùng hội đi ngang qua và bị trách móc, anh ta không ngần ngại dập đầu tạ tội, chùi rửa sạch sẽ vết nhơ của gã “đồng môn” để lại. Hành động này để giữ lấy danh tiếng chung cho tổ chức. Đối với yakuza thời ấy, nghĩa khí là điều đáng quý nhất, chỉ cần một lần được giúp đỡ cũng sẵn sàng đem sinh mạng ra đền đáp. Nghĩa khí cũng chính là tố chất đã giúp Eiji thành đạt. Ông chấp nhận chịu tội thay cho đàn anh; dù bị tra tấn, tù đày cũng không bao giờ phản bội tổ chức; hy sinh ngón tay để chuộc lại lỗi lầm….
Song song với bức tranh thế giới ngầm là khung cảnh của một Nhật Bản bại trận sau hai cuộc Thế chiến, đang vùi mình trong sự u tối và nỗi mất mát. Thế giới ấy có thể khiến con người ta đánh mất chính mình, khiến họ vô tâm, thờ ơ với bi kịch của đồng loại, khiến Eiji từ một người làm công từng bước dấn thân vào giới giang hồ. Nhưng giữa sự suy đồi nhân cách ấy vẫn còn có những người Nhật chân chính vùng vẫy với cuộc sống. Những người nghèo khổ ấy thà chịu nằm chờ chết đói chứ nhất quyết không sống nhờ vào lòng thương hại của kẻ khác.
Nhà tù là nơi đã cho Eiji nhiều bài học về giá trị con người trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của Nhật Bản nửa đầu thế kỷ 20. Tại đây, Eiji đã gặp gỡ những con người thú vị, một số trở thành bè bạn, đàn em của ông sau này, nhưng cũng có những người không bao giờ gặp lại, chính họ đã để lại ấn tượng sâu sắc. Và ông không chỉ học những bài học cuộc sống từ giới giang hồ, nhiều cuộc tình đến rồi đi qua cuộc đời Eiji cũng để lại trong ông trải nghiệm quý giá. Mỗi người phụ nữ được khắc họa qua ngòi bút Saga Junichi đều đọng lại chút gì đó trong lòng người đọc. Tình yêu lôi kéo Eiji 15 tuổi rời bỏ gia đình, và cả hai ngón tay út của ông mất đi chỉ vì một người phụ nữ. Ấy vậy mà tình yêu lại không phải là điều quá sâu đậm trong cuộc đời Eiji. Nó chỉ giống như một chút hương vị ngọt ngào tô điểm cho bức tranh đa sắc màu của đời ông.
Tác giả Saga Junichi sinh năm 1941 tại tỉnh Ibaraki, vùng Kanto. Trong hơn 30 năm làm bác sĩ, ông ghi chép lại vô số hồi ức của các bệnh nhân và xem chúng là nguồn tư liệu, trải nghiệm đáng quý để viết sách.
Tùng Dương
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn