Tình yêu Trang viết ra, đồng cảm với tình yêu của nhiều người trẻ khác, thế nên, tập truyện ngắn Độc thân cần yêu ra mắt chưa bao lâu, đã "nổ pháo" trên nhiều trang mạng và diễn đàn…
Trần Thu Trang ưa những chuyến đi xa, thiên vị nhất là miền núi Đông – Tây Bắc, khi đội mũ, mặc áo người dân tộc, lúc điệu đà với kiểu áo lụa bà ba. Dù thế, dứt khoát, cô vẫn là phụ nữ sinh ra từ Hà Nội, nên những nhân vật trong Độc thân cần yêu (Bách Việt & NXB Lao động, 2012) kiểu gì cũng mang bóng dáng thị thành.
Không thuộc về thế giới của những người làm văn
Với tập truyện ngắn đầu tiên, Trang không quên tâm sự nguyên do ra đời: "Việc tôi dám làm thật chỉ là cố gắng viết những truyện ngắn thực sự, để người ta tự phân biệt (với những cuốn tiểu thuyết mà có độc giả "dám" gọi là "truyện ngắn" – NV). Thú thật, sở trường của tôi không phải là truyện ngắn, viết xong hai tiểu thuyết xuất bản được một rồi mới rón rén viết truyện ngắn đầu tay, ki cóp suốt sáu năm trời mới ra được cốn sách mỏng mà bạn sắp đọc này".
"Cuốn sách mỏng" mà Trang nói tới, dày hơn 200 trang, gồm 20 truyện ngắn. Các truyện dĩ nhiên là từng được đăng báo, và Thế giới Phụ nữ là nơi đăng tải hầu hết với những "đơn đặt hàng ngắn gọn của BTV Phan Thúy Thảo, người mà cô thú thực là "tôi chưa gặp bao giờ". Điều đó cũng thật lạ, là bởi, Trần Thu Trang rõ ràng là một người viết, nhưng cô lại không thuộc về thế giới của những người làm văn chương. Hầu như chẳng biết "ai với ai", cũng không tham dự các buổi giao lưu tọa đàm văn chương, chưa thấy có mặt trong lúc nào đó dân viết nhóm họp, chắc hẳn càng không quen gương mặt trẻ đồng nghề văn, lại càng xa lạ với giới phê bình văn học và các tay tác giả già…
Thế giới của Trang là kiếm sống lẫn vui đùa với nghề chụp ảnh, trong đó, dồi dào nhất chắc hẳn là các tấm ảnh cưới. Nhiều tay máy biết Trang qua những lần "làm ăn chung". Vài ca sĩ biết Trang bởi dăm lần gặp gỡ thoáng qua. Và bạn đọc trẻ, học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, người hành nghề tự do… – những người đã online chat với Trang qua trang mạng cá nhân, hay trên diễn đàn… là nguồn tinh thần mà cô luôn dành cho nhiều ưu ái. Thể nào trong tiểu thuyết, nếu có cảm ơn, Trần Thu Trang sẽ dành sự trang trọng đó cho bạn đọc của mình, sau mẹ – "người luôn đọc truyện ngắn đăng báo của tôi và thỉnh thoảng còn khen".
Sống nhạt
Tôi thích tên truyện của Trần Thu Trang, như một món quà xinh không dành tặng riêng mình: Bốn mùa 1881, Tiệc độc thân cho hai người, Kỷ niệm cơm rang, Đem Tết về, Ngày ngọt, Những dấu chấm hết màu xanh, Cuộc hẹn café và crêpe, Vẫn cần cưới gấp, Buổi tối không đến nỗi nào, Quà, Khách cuối, Hai người không quên nhau, Nợ, Một vòng nguôi ngoai…
Truyện Trần Thu Trang kể thật dễ để hiểu, vì cô không chọn hành văn khó. Câu chuyện là những ký tự tạo dựng hình ảnh mà bản thân Trang trải qua, hoặc gặp đâu đó, hoặc nghe đâu đó. Cũng có khi "bịa", "tưởng tượng", nhưng vẫn nằm trong đời sống lứa đôi nghĩ suy thật thà này. Các nhân vật Trần Thu Trang tạo dựng lên, có thể thấy ngay lập tức qua người sống kề cận mình. Các phác họa tâm lý thật nhạt, nhằm phác họa suy nghĩ về thói ham vật chất, ham yêu, ham những thứ nằm ngoài mình, không thuộc về mình. Truyện của Trang nhiều thoại, câu thoại cũng nhạt. Hẳn là bởi, những người trẻ của chúng ta sống nhạt trong vô thức bản năng. Không một đường chỉ dẫn, đơn thuần, đó là một người chứng kiến và kể lại câu chuyện qua cái nhìn riêng, cảm xúc riêng, ngẫm nghĩ riêng hết sức cá nhân.
Đàn ông… quả tình là thế!
Đọc truyện của Trần Thu Trang, cảm giác một vẻ yếu đuối thuần tính nữ bên ngoài dáng vẻ mạnh dạn, cách nói chuyện, cư xử nhiều tính nam trộn lẫn. Sự cô đơn dày khắp, các mối quan hệ lỏng lẻo mà làm cho người ta kết cục vẫn bị đau, đau để mà không hiểu, thực ra điều gì làm mình có thể đau đến thế, do đó, buộc phải quên đi, rồi cứ thế mà sống tiếp. Mà tiếc thay, chỉ người nữ với đủ thứ nhạy cảm bất thường, mới là đối tượng cho đau xâm lấn, còn nam giới, thì thế, ăn ngủ yêu đương là thói quen cố hữu, với người đàn bà từng qua chuyện chăn gối cũng chỉ là vui, cuộc chơi biết trước kết cục.
"Nhịp điệu dìu dặt của guitare thì chẳng ăn nhập gì với tiết tấu của thân thể. Nhưng Trần thấy chẳng sao cả. Trong cơn run rẩy đầy đam mê, Đào thì thầm điều gì đó, nhưng anh chưa kịp nghe rõ thì đã bị cơn buồn ngủ phủ trùm lên" (tr.162, Những ngày cuối cuộc tình). Đàn ông… quả tình là thế!
Độc thân, cần yêu, quả là một tên vui trong sự trống trải, lạnh vắng. Thì cứ như tác giả nói: "Tôi đặt tên cho nó một cái tên riêng, nhưng mà chung là Độc thân, cần yêu. Riêng, bởi vì nó là một cái tên mới tinh, không phải của bất cứ truyện nào trong tập. Chung, bởi vì nó nói được đặc điểm của tất cả các nhân vật chính trong tất cả các truyện. Họ đều độc thân, dù có thể đã làm mẹ, hoặc đã từng kết hôn, và đều cần tình yêu. Xét cho cùng, ai mà không cần tình yêu cơ chứ!". Trong đó có những nhà văn luôn cô độc như Trần Thu Trang!
(Báo thethaovanhoa.vn giới thiệu ngày 21/10/2012)
Việt Quỳnh.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn