Giới thiệu sách Đi Tìm Lẽ Sống (Tái Bản 2019)
KHI CÓ LẼ SỐNG, CHÚNG TA CÓ THỂ
VƯỢT QUA BẤT CỨ ĐIỀU GÌ
“Lẽ sống”, hay “Ý nghĩa cuộc đời”, ai mà chẳng từng đau đáu về nó. Bởi vì đó chính là lý do chúng ta cần tìm ra cho sự tồn tại của mình trong kiếp nhân sinh này.
Đi Tìm Lẽ Sống (Man’s Search for Meainng) của Viktore E.Frankl là một cuốn sách kỳ lạ. Dù tường thuật lại những gì Frankl đã trải qua trong 3 năm tại các trại tập trung Auschwitz và Dachau vì nạn diệt chủng Do Thái của Phát xít Đức, nhưng đây không hoàn toàn là tự truyện. Dù nửa sau cuốn sách là trình bày về một liệu pháp tâm lý mà ông đã bỏ cả đời để nghiên cứu, thì cuốn sách cũng không phải là sách khoa học. Điều kỳ lạ nhất, là ai cũng có thể cảm nhận được những gì Frankl viết, mặc cho những câu chuyện của người tù xen kẽ sự phân tích tâm lý con người dựa trên đó, có vẻ thật xa lạ và khốc liệt quá, có vẻ không liên quan gì đến cuộc đời của mình cả. Nhưng kìa, sau khi đọc xong, tại sao mình lại thấy cảm xúc về sự sống bừng lên, và mình lại hiểu ý nghĩa sự tồn tại của mình đến như thế?
Đâu phải ngẫu nhiên mà Đi Tìm Lẽ Sống lại trở thành cuốn sách kinh điển trong nhiều thập kỷ qua, giúp hàng triệu người vượt qua trạng thái đau khổ và tuyệt vọng khi không còn thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Xuất thân là một Tiến sĩ – Bác sĩ Tâm lý, khi trải qua quãng thời gian dài trong trại tập trung, Frankl đã có một cơ hội hiếm có để quan sát tâm lý của con người khi ở nơi địa ngục trần gian, dưới đáy tuyệt vọng. Với bản năng nghề nghiệp, dẫu đang là tù nhân lao động khổ sai dưới thời tiết khắc nghiệt, ông vẫn liên tục nhìn nhận và phân tích từng cử chỉ, hành vi cũng như diễn biến tâm lý của mọi người xung quanh. Nhưng sự tàn bạo và thống khổ mà người tù phải chịu đựng đã khiến những người hiền lành, điềm tĩnh nhất cũng phải thay đổi. Chính Frankl cũng vậy. Và đấy lại là cơ hội để ông quan sát chính mình, như một đối tượng nghiên cứu chân thật nhất.
Rốt cuộc Frankl đã nhận ra, khả năng sinh tồn và sức chịu đựng của con người là siêu việt, là vô hạn, một khi người đó vẫn còn nắm giữ được ý nghĩa tồn tại của mình. Ông viết “Điều kỳ lạ về con người là chúng ta chỉ có thể sống bằng cách hướng về tương lai. Và đây là sự cứu rỗi cho con người trong những lúc khó khăn nhất, mặc dù đôi khi ta phải buộc tâm trí mình bám vào nhiệm vụ đó. Thảm họa sẽ đến với những người không nhìn thấy được ý nghĩa cuộc sống của mình, không mục tiêu, không mục đích, vì nó khiến họ không còn lý do để tiếp tục sống và sẽ nhanh chóng tự xóa đi chính sự tồn tại của mình”
Nếu thể xác người tù bị hành hạ một, thì có thể nói tinh thần của họ bị chà đạp gấp mười. Bất cứ người tù nào cũng trải qua đủ hết những cung bậc cảm xúc mà họ không bao giờ ngờ đến, từ sốc lúc mới nhập trại đến vô cảm luôn với cả cái chết khi đã ở lâu. Nhưng Frankl kết luận, người ta có thể lấy đi mọi thứ của một người, trừ một thứ, đó là Tự do. Việc lựa chọn thái độ sống và lựa chọn hướng đi của bản thân là tự do của bạn, không ai có thể cướp đi được.
Ý nghĩa của cuộc sống không chỉ là việc được sống, được thở, mà ngay cả cái chết, nếu bạn tự chủ được thái độ khi đối diện với nó, thì đó vẫn là điều ý nghĩa. Tuy nhiên, Frankl quan sát được rằng những người tù nào vẫn còn nắm giữ được điều khiến họ muốn sống tới ngày mai, như nhớ về người thương đang chờ ở quê nhà, hoặc còn công việc dở dang muốn hoàn thành, thì họ sẽ có nhiều cơ hội sống. Còn một khi tâm trí đã buông xuôi vì tuyệt vọng, sự sống cũng chẳng mấy chốc mà rời bỏ họ.
Đó cũng chính là tiền đề cho Liệu pháp Ý nghĩa – một liệu pháp điều trị tâm lý mà Frankl đã công bố nghiên cứu sau này. Theo ông, đi tìm lẽ sống là động lực chính yếu trong sự tồn tại của con người, chứ không phải là hợp lý hóa các xu hướng sinh tồn bản năng như cách giải đáp theo nhánh phân tâm học của Freud đang có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn châu Âu thời gian đó. Hiện nay, dù còn nhiều tranh cãi nhưng Liệu pháp Ý nghĩa của Frankl vẫn là tài sản quý giá của ngành tâm lý học. Và Đi Tìm Lẽ Sống vẫn luôn là cuốn sách chạm được vào cảm xúc của bất cứ ai đang trên đường đi tìm ý nghĩa sự tồn tại của bản thân mình.
Mời bạn đón đọc.