Giới thiệu sách Dấu Tích Thăng Long
Dấu Tích Thăng Long:
Học giả Lê Dư hiệu Sở Cuồng, sinh quán tại làng Nông Sơn huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ ông học chữ Hán ở quê nhà, tuổi thanh niên tham gia phong trào Duy Tân, cùng Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác ra Hà Nội học tiếng Pháp. Khoảng năm 1906 ông sang Nhật du học, năm 1908 phong trào Đông Du bị khủng bố, do sức ép của Pháp, chính phủ Nhật trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam và các du học sinh. Ông sang Triều Tiên, Trung Quốc đọc sách và du lịch với mục đích tìm hiểu lịch sử văn hoá, chế độ và tư tưởng mới qua nguồn tân thư và tiếp cận thực tiễn. Lê Dư đi, đọc và viết nhiều sơ thảo theo dạng bút ký biên thảo. Qua việc khảo sát các công trình nghiên cứu bằng Hán văn của ông viết khi đã về nước. Thấy rằng ông hầu như đã dành hết thì giờ vào việc tìm đọc các tân thư cổ thư Nhật Bản, Trung Quốc để trích thải các tài liệu liên quan đến lịch sử, địa dư, văn học nước nhà…
Nội dung sách gồm 2 phần: Hà Thành Kim Tích Khảo và Du Cổ Loa Thành Ký.
Hà Thành Kim tích khảo là thiên khảo cứu về thành phố Hà Nội xưa nay, ước một vạn ba ngàn chữ, ghi chép tổng quan về di tích, thắng cảnh và sự thay đổi thành quách, cung thất, phố phường Thăng Long – Hà Nội qua các đời. Với gần một trăm danh thắng và 3 bức địa đồ do Lê Dư tự vẽ với hệ thống địa danh chữ Hán, thiên khảo cứu này có thể cho ta một cái nhìn toàn cảnh về Hà Nội vào thời điểm đầu thế kỷ 20, đồng thời cũng giúp bổ sung nhiều chi tiết cho việc nghiên cứu về lịch sử, địa dư thủ đô Hà Nội ngày nay. Nguyên văn chữ Hán là Hà Thành Kim Tích Khảo đã in trên Nam Phong tạp chí số 80 và 81
Di Cổ Loa Thành Ký là bài du ký ước hai ngàn rưỡi chữ, ghi lại cuộc du ngoạn của Lê Dư và người bạn Nhật Bản Mã Dã Phong Tam Lang cùng làm việc tại Bác Cổ học viện và người bạn Trung Hoa là Cao Kiều Đôn. nguyên văn chữ Hán đăng trên Nam Phong tạp chí số 68.
Ngoài các bút kí biên khảo ở hải ngoại, Lê Dư chỉ viết về thể loại này hai phần nêu trên đối với địa điểm trong nước, rồi sau đó ông thiên hẳn sang cổ sử và văn học sử.
Mời bạn đón đọc.