Giới thiệu sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (3 Tập )
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là một bộ sử lớn có giá trị nhiều mặt, một di sản văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam. Bộ sách được Nhà xuất bản khoa học xã hội ấn hành 4 tập vào năm 1967 do nhà Hán học Cao Huy Giu dịch và Giáo sư Đào Duy Anh hiệu đính. Năm 1971, bộ sách được tái bản lần thứ hai, có sửa chữa và bổ sung.
Năm 1985, bộ sách được phiên dịch và xuất bản dựa trên bản in xưa nhất Nội các quan bản của bộ Đại Việt sử ký toàn thư do Thư viện Trường Viễn Đông bác cổ Paris gửi tặng Việt Nam.
Năm 1992, Nhà xuất bản khoa học xã hội đã xuất bản trọn bộ Đại Việt sử ký toàn thư gồm 4 tập (tập I, II, III là các tập in bản dịch từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ, tập IV là tập in nguyên văn chữ Hán bản in Nội các quan bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư).
Thể theo nguyện vọng và phổ cập nhu cầu của bạn đọc, Nhà xuất bản Khoa học xã hội tái bản lần này gồm 3 tập (I, II, III) phần chữ Quốc ngữ của bộ Đại Việt sử ký toàn thư.
Tập I gồm Lời Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, bài khảo cứu về Đại Việt sử ký toàn thư: tác giả – văn bản – tác phẩm của Giáo sư Phan Huy Lê và bản dịch phần đầu Đại Việt sử ký toàn thư gồm Quyển thủ, Ngoại kỷ Q.1 – 5, Bản kỷ Q.1 – 4, do nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Đức Thọ dịch, chú giải, và Giáo sư Hà Văn Tấn hiệu đính.
Tập II gồm phần dịch và chú giải Bản kỷ Q.5 – 13 do nhà nghiên cứu Hán Nôm Hoàng Văn Lâu dịch, Giáo sư Hà Văn Tấn hiệu đí nh.
Tập III gồm phần dịch và chú giải Bản kỷ Q.14 – 19 do nhà nghiên cứu Hán Nôm Hoàng Văn Lâu dịch, Giáo sư Hà Văn Tấn hiệu đính và phần Phụ lục với bản dịch Đại Việt sử ký tục biên Q.20 – 21 của Phạm Công Trứ do nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Thế Long thực hiện và Sách dẫn để tra cứu do Bộ môn phương pháp luận sử học thuộc khoa Sử Trường Đại học tổng hợp Hà Nội thực hiện.