Giới thiệu sách Đại cương về văn hoá Việt nam
Với tư cách là chủ thể và đồng thời là vật mang văn hoá, con người hoạt động, tác động đến môi trường xung quanh dựa trên những chuẩn thức văn hoá được thừa hưởng từ truyền thống và giáo dục. Bởi vậy, để phát huy tiềm năng con người vào công cuộc phát triển xã hội nói chung và vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói riêng, cần phải tính đến các yếu tố văn hoá mà mỗi con người đang mang trong bản thân.
Bên cạnh những chuẩn mực văn hoá chung mang tính nhân loại và khu vực, thì những đặc trưng của văn hoá địa phương có tác dụng chi phối mạnh mẽ hành vi của các cá thể. Sự khác biệt này không chỉ thể hiện trên phương diện ý thức hệ, mà cả trên bình diện phát triển kinh tế – xã hội. Bởi vậy, nhận thức được tầm quan trọng của văn hoá cũng như nghiên cứu cách thức phát huy nó nhằm phục vụ cho sự phát triển của đất nước, của địa phương – hiện đang là vấn đề thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới.
Việc hệ thống hoá và ứng dụng các khái niệm cũng như phương pháp của văn hoá học vào trong các nghiên cứu văn hoá Việt Nam – là một đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Trên cơ sở thấu hiểu và vận dụng văn hoá học, các nghiên cứu ứng dụng mới đạt được hiệu quả như mong muốn. Điều đó có nghĩa là Đại cương về văn hoá Việt Nam cần phải thể hiện ra như một lĩnh vực ứng dụng của văn hoá học.
Đi theo hướng đó, tác giả của cuốn sách này đã tiến hành hệ thống hoá một số khái niệm và phương pháp cơ bản của văn hoá học, và sử dụng chúng để khảo sát sơ bộ văn hoá Việt Nam.