Tiếp cận một chủ đề khó: luận bàn triết học với trẻ em, cuốn sách được thực hiện với sự hỗ trợ của Culturesfrance, tổ chức triển khai dự án văn hóa của Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa – Truyền thông Pháp.
Trong xu thế chung toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu, từ nhiều năm nay ở đâu cũng có hiện tượng trẻ em lơ là với những môn học được cho là khô khan, dễ ngán như triết học, ngôn ngữ, sử học, địa lý… – thậm chí có nơi (như nước ta) cả văn học cũng bị coi là nhàm chán! Không chỉ các nhà giáo mà nhiều người quan tâm đến tương lai đất nước trăn trở kiếm tìm những phương pháp dạy và học khả dĩ tạo hứng thú cho học trò. Cuốn sách về những sự trái ngược… là một thử nghiệm thành công theo hướng ấy về triết học.
Tác giả phần văn là Giáo sư, tiến sĩ triết học Oscar Brenifier. Ông đã xuất bản một loạt sách triết học dành cho người lớn (Tập sự triết nhân, Những vấn đề triết học giữa người lớn với nhau…), cho trẻ em (Những nhà thông thái nhỏ, Album nhỏ về triết học…), sách giáo khoa (Dạy qua tranh luận, Thực hành triết học ở trường tiểu học…). Tổ chức UNESCO ủy thác ông làm bản báo cáo về Triết học phi hàn lâm trên thế giới.
Tác giả phần họa là họa sĩ Jacques Després, có nét bút khá độc đáo. Tranh J. Deprés hiện đại và sâu sắc. Cuốn sách và một tổng thể kết hợp văn và họa, khó có thể nói trong hai cái đó, cái nào quan trọng hơn. Không phải tranh minh họa cho lời, càng không phải lời chú thích cho tranh.
Tư duy và sự trái ngược
Mở đầu bằng câu hỏi: Tại sao phải suy nghĩ về những sự trái ngược?, cuốn sách lý giải: Bởi thiếu những sự trái ngược, chúng ta sẽ không thể tư duy. Ngay từ thuở ấu thơ, ta đã phát hiện ra rằng mỗi ý tưởng đều có một ý tưởng khác đối lập với nó, ta chỉ có thể hiểu được ý tưởng này nhờ vào ý tưởng kia: cao ngược với thấp, lạnh ngược với nóng, tối ngược với sáng.
Cuốn sách giới thiệu mười hai cặp phạm trù đối lập, trình bày dưới dạng chúng đối lập với nhau như thế nào, tiếp đấy liên kết mỗi cặp qua một câu hỏi và kết thúc bằng lời kết chỉ rõ tại sao cái này lại cần đến cái kia. Mười hai cặp phạm trù, mới lướt qua những cái đề đã đủ làm rối trí người lớn, nói gì trẻ em: Hữu hạn và vô hạn, Tự do và tất yếu, Lý trí và đam mê, Thời gian và vĩnh cửu, Thể xác và tinh thần, Khách quan và chủ quan, Nguyên nhân và hệ quả…
Giải thích một khái niệm, chỉ với ba hay bốn dòng. Tiếp đó, trả lời câu hỏi đặt ra từ cặp phạm trù ấy: Mỗi con người là một cái tôi đơn nhất hay là một cái tôi đồng dạng với tất cả mọi người? (tôi/người khác); Ta nên làm theo lý trí hay theo đam mê? (lý trí/đam mê); Thời gian có thể kéo dài vĩnh cửu hay không? (thời gian/vĩnh cửu)…
Các lời giải ngắn gọn, đọc hết cuốn sách tôi không tìm thấy lời giải nào dài quá 12 dòng chữ in. Nhìn chung là súc tích và trí tuệ, không chỉ quan tâm thuyết lý mà còn coi trọng định hướng suy nghĩ của các em. Chẳng hạn, lý giải: Chờ đợi, là chủ động hay bị động?, tác giả viết: "Đôi khi ta thấy ham muốn mãnh liệt một điều gì đó và ta hành động để đạt được nó, nhưng mọi cố gắng của ta đều không mang lại kết quả. Đôi khi ngược lại, ta chỉ kiên nhẫn đợi chờ, và mọi việc tự xảy đến. Dường như sự bị động cũng có những tác động của nó. Vậy ta nên chủ động hay bị động đây?
Giải pháp hợp lý nhất có lẽ là hành động, là tác động lên bản thân trước khi học cách chờ đợi. Ta cứ ngỡ bức tường đỡ cái nhà kia là bị động, cho đến một ngày nó đổ ập xuống ta mới ngộ ra rằng, hóa ra nó cũng có tác động nào đó ấy chứ. Rốt cuộc, phải đi đến kết luận rằng mọi thứ tác động lên mọi thứ, chẳng qua ta không nhận biết đó thôi. Vạn vật đều có thể coi như vừa là chủ động vừa là bị động".
Trả lời câu: Chỉ mỗi một người liệu có thể đưa ra được một sự thật khách quan? (khách quan/chủ quan), ý kiến tác giả: "Khi buồn, ta quả quyết ly nước kia vơi một nửa. Còn khi vui, ta lại quả quyết rằng ly nước còn những một nửa cơ. Ta có thể đo và biết chắc cái ly lúc nào cũng chứa đúng 6 centimet nước. Vậy mà khi các nhà khoa học lần đầu tiên nói rằng Trái đất hình cầu, rằng các vật thể nặng vẫn có thể bay, hay mọi bệnh tật đều do vi khuẩn gây nên, họ thường bị kết tội là có tư tưởng cá nhân nguy hiểm hoặc bị cho là điên khùng.
Ngược lại, một nhà soạn nhạc hay một nhà thơ khi diễn tả những cảm xúc riêng tư qua tác phẩm của mình, dường như lại có thể mô tả được những gì từng xảy đến với tất cả mọi người như tình yêu, nỗi nhớ, niềm vui… Như vậy, muốn phát hiện cái khách quan, đôi khi ta phải đẩy cái chủ quan của mình đến lên tận cùng, và đôi khi ta lại phải phớt lờ cái chủ quan của ta".
Sáng tạo và lôi cuốn
Nói triết học là nói quan điểm. Chúng ta có thể đồng tình hay không với điểm này hay điểm khác trong sách, song không thể không khâm phục cách làm sáng tạo và lối trình bày rất trang nhã, nhờ vậy được trao Giải thưởng Sách thiếu nhi Montreuil 2010.
Trong khi đọc Cuốn sách về những sự trái ngược lớn…, tôi có bên cạnh một cuốn khác, của hai tác giả khác: Cuộc phiêu lưu lớn của 10, dành cho các em chuẩn bị đến tuổi lên mười, cũng có nghĩa là từ tiểu học lên trung học. Vẫn bằng lời lẽ ngắn gọn đi kèm tranh vẽ hấp dẫn, sách giúp các em ôn lại những điều đã học ở lớp: toán, hình học, văn, sử…, đồng thời gợi mở, kích thích sự hiếu kỳ và tạo niềm náo nức: chắc chắn rồi đây em sẽ còn phát hiện vô vàn điều mới lạ mà học vấn mang lại cho em.
Mở đầu: "7 tuổi, 8 tuổi, 9 tuổi, rồi 10 tuổi. Em đã học được biết bao điều ở trường. Các thầy, cô dạy em đọc, viết, làm toán. Các thầy, cô kể cho em nghe về lịch sử tổ tiên, về chuột, ngựa và cá voi, về hoa và đá, về Trái đất và các vì sao. Bây giờ em đã biết tất tần tật từ 1 cho đến 10. Để em kể các bạn cùng nghe: Ngày xửa ngày xưa có con 10…".
Với ý tưởng: 10 năm, cũng khối thời gian trôi qua đấy chứ, tác giả đặt ra mấy phép tính cộng, trừ, nhân, chia… cho các em làm. 10 năm là bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày, giờ, phút, giây? Những hơn 315 triệu giây cơ. Vậy thì ngược lại, ngần ấy giây là bao nhiêu phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm, là mấy phần của thế kỷ, của thiên niên kỷ?
10 là con số đầu tiên có hai ký hiệu. Cũng như tuổi lên mười, chúng sẽ mở ra cho em nhiều chân trời mới. Ứng dụng 10 vào đời sống, có thể sáng tạo nên lắm chuyện diệu kỳ. Những cửa kính hình hoa hồng nhiều màu sắc tuyệt đẹp ở Nhà thờ lớn thoạt nhìn tưởng khác nhau, hóa ra cái nào cũng gồm 10 hình tròn to nhỏ gần xa chồng lấn; xem kỹ những chậu cây cảnh, thấy có cây cứ mỗi nhành ra đúng 10 lá, có hoa mỗi đóa xòe đúng 10 cánh, giữa có 10 nhị; lạ thật: con cua, con tôm hùm, con tôm sú… con nào cũng có 10 chân…
Cuốn sách vẫn bám ý niệm về thời gian khi khép lại: Từ lúc sinh ra, mỗi ngày em thay một đôi tất, uống 1,5 lít nước, ngủ chừng 10 giờ, đi bộ khoảng 1km, vậy tính ra 10 năm qua, em đã dùng bao nhiêu đôi tất, uống bao nhiêu nước, ngủ bao nhiêu thời gian, đi bộ bao nhiêu km đường… ? Rồi trong 10 năm sắp tới, em sẽ phải bỏ ra bao nhiêu thời gian để uống, ăn, ngủ, học, chơi, đọc sách? Tuy nhiên, em sẽ không còn phải làm những phép tính như mười năm qua… Em không còn cần đến các con số từ 1 đến 10 để đo đạc thế giới. Cái thế giới ấy, em sẽ phát hiện theo nhiều cách khác: với trái tim em, với năm giác quan em, qua những giấc mơ của em…
Đến đây, cho phép người đọc sách học đòi làm ra vẻ thông thái để lan man kim cổ một chút. Từ xa xưa, ở mọi dân tộc, hầu như các lời ca mẹ ru con ngủ, cổ tích bà kể cháu nghe, chuyện ngụ ngôn làm em vui thích…, đều nhằm đích giúp các em hiểu biết thế giới quanh em, dạy các em tình thương yêu, lòng dũng cảm, nghĩa thủy chung…
Ghi thành văn, đó sẽ là chuyện kể của Grim ở Đức, của Perrault ở Pháp, là ngụ ngôn Esope và La Fontaine, là kho tàng ca dao và cổ tích Việt Nam… Nghe nói ở Trung Hoa, đến đời Khổng Tử, ngài và các môn đệ của ngài mới phân biệt rạch ròi kinh và truyện trong việc dạy và học. Còn tại nền văn minh A Rập, quê hương của Nghìn lẻ một đêm, "cuốn sách của mọi lứa tuổi", nói theo lời một nhà văn, thời cổ đại có hai phương pháp dạy trẻ em, kỵ nhau như nước với lửa. Một, gọi là Jidd, chủ trương học cho ra học, học là nghiêm chỉnh tiếp thụ đạo lý thánh hiền. Hai, có tên Hazi, chỉ quan tâm giải trí người nghe, giống kể chuyện tiếu lâm, miễn là rốt cuộc biết đọc biết viết.
Lối học nào có nền văn chương ấy. Văn học Jidd nghiêm trang thì hết mực trang nghiêm, nhưng đọc sách Jidd mau chán. Văn học Hazi hấp dẫn mọi người, song chẳng quan tâm lắm việc hình thành nhân cách. Thời trung cổ, xuất hiện loại hình văn học thứ ba, có tên là Adab, dung hòa hai loại hình kia. Bộ truyện kể Nghìn lẻ một đêm là thành tựu tuyệt vời của trường phái Adab. Bộ truyện kể đủ chuyện trên trời dưới đất. Những tưởng các câu chuyện là do nàng Sheherazat tưởng tượng nên nhằm mua vui cho bạo chúa Sharir, qua đó trì hoãn việc thi hành án tử hình, hóa ra chuyện nào cũng hàm chứa nhân văn sâu lắng.
Vấn đề muôn thuở đã được đặt ra từ xưa: thầy dạy cách sao, trò học lối nào để các em không ngán sự học, mà ngược lại càng học càng khát khao hiểu biết, biết rồi còn muốn biết nhiều, nhiều hơn nữa… Một lĩnh vực thực nghiệm mênh mông dành cho người yêu trẻ, ta chưa quan tâm đầy đủ đó thôi./.
Phan Quang
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn