Ở tuổi sáu mươi, nhiều người chọn cảnh an nhàn, thì Ngô Phan Lưu quyết tâm theo đuổi nghề viết một cách chuyên nghiệp. Bơi ngược dòng nước đời thường có phải đơn giản đâu. Ngô Phan Lưu hiểu và càng bền tâm bền chí hơn. Lão nông đã ngơi tay cày tự mày mò học vi tính và lóc cóc gõ từng trang bản thảo chất chứa trải nghiệm và suy tư của một người suốt mấy chục năm gắn bó với ruộng đồng.
Sau một thời gian kết nối với công nghệ số, Ngô Phan Lưu viết nhiều hơn và cũng viết nhanh hơn. Gần như tuần tự, các tập truyện ngắn Cơm chiều, Xoa tay và cười rồi Con lươn chép miệng lần lượt ra đời, mang lại cho ông khoản thu nhập đều đặn mà nếu "quy ra thóc" thì không thua gì hiệu quả lao động của trai tráng cần mẫn cấy lúa gieo hạt. Tất nhiên, giá trị vật chất chưa hẳn là mục đích cuối cùng để mỗi ngày Ngô Phan Lưu miệt mài ngồi trước bàn phím. Cái lưng hơi còng của ông, cái bóng hiu quạnh của ông ở một góc phố nhỏ miền Trung hắt lên trang văn bao niềm riêng muốn chia sẻ với cộng đồng. Thế mạnh của ông là vốn sống tích lũy được gạn lọc qua lăng kính cảm thông về tính cách người quê, về hồn vía cảnh quê. Và khi đặt tất cả những điều ấy vào quá trình hội nhập thì tác phẩm của Ngô Phan Lưu trình bày được một không gian mở về nông thôn mới!
Vẫn mang màu sắc như Cơm chiều và Xoa tay và cười, tập truyện ngắn Con lươn chép miệng do Nhà xuất bản Văn Học vừa ấn hành lại khẳng định thêm một góc nhìn của Ngô Phan Lưu dành cho những thân phận lầm lũi thời đô thị hóa. 29 truyện ngắn tuy dài ngắn khác nhau, nhưng chỉ nhằm trả lời một câu hỏi duy nhất: nết ăn nết ở của người nông dân chuyển động như thế nào giữa công cuộc xây dựng và phát triển với tốc độ chóng mặt hôm nay? Các truyện ngắn như Thăm thẳm trưa, Mù sương đầu ngõ hay Cổ tích tự phát đều triển khai từ những chi tiết vụn vặn để từ đó có thêm nhiều nét chấm phá cho bức tranh đã thưa vắng dần lũy tre quen thuộc. Nhân vật trọng tâm mà Ngô Phan Lưu tập trung miêu tả hầu hết đều nhận thức được môi trường tồn tại của họ đang ngổn ngang nửa phố nửa quê, và họ phải thay đổi để thích ứng, nhưng thay đổi ra sao vẫn còn loay hoay giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa cạnh tranh và khoan dung, giữa cái thiện lưu truyền và cái ác manh nha.
Ngô Phan Lưu luôn dùng cách kể để đưa câu chuyện đến độc giả. Ưu điểm của ông nằm ở những đối thoại. Dồn dập đối thoại giúp mạch văn nhanh và gọn, nhưng ít để lại dư vị. Mỗi truyện ngắn của Ngô Phan Lưu thường dừng đột ngột để mong có cái kết bất ngờ. Có thể xem đấy là bút pháp hiện đại, nhưng cũng tạo nhiều tiếc nuối cho người đọc. Bởi lẽ, trắc ẩn của nhân vật không có điều kiện được sâu lắng hơn. Nói về thẩm mỹ văn chương, bước vào trang viết của Ngô Phan Lưu sẽ thu hoạch được nhiều sự nhận biết mà lại thu hoạch khá ít sự rung động. Đấy là đòi hỏi hơi khắt khe đối với một tác giả cao niên, nhưng vẫn phấp phổng hy vọng "gừng càng già càng cay" chứ!
Sống ở tỉnh lẻ, mỗi năm in được một tập sách mấy trăm trang, cũng đã đáng nể. Ngô Phan Lưu gửi đôi mắt vừa buồn thương vừa tinh quái vào tác phẩm để hé mở cho công chúng về những quan sát mang dấu ấn cá nhân. Ví dụ, truyện ngắn Mỗi thôn vẫn xảy ra một người, ông thổ lộ: "Ở phố, không biết có hay không, nhưng ở quê, tôi để ý thấy rằng, trong một thôn lúc nào cũng xảy ra một người nghịch ngợm. Mức độ nghịch ngợm lớn nhỏ khác nhau, nhưng thôn nào cũng có, hầu như khó có luật trừ. Và dường như nó lại được kế thừa liên tục cho phù hợp theo thời cuộc!". Và mở rộng biên độ ý nghĩa ấy, trong cái "thôn" văn chương miền Trung cũng xảy ra "một người nghịch ngợm" Ngô Phan Lưu!
Tuy Hòa
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn