Thiên tiểu thuyết “Con đường cách mạng” (Revolutionary road) của nhà văn Mỹ Richard Yates ra đời đã làm triệu triệu trái tim độc giả nghẹn đắng.
Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh là khu đồi Cách Mạng, nơi đại lộ Cách Mạng chạy băng qua. Câu chuyện chỉ xoay quanh cuộc sống của bộ ba gia đình Frank – April Wheeler, Milly Campbell – Shep Campbell và gia đình bà Givings. Không ồn ào, mạnh mẽ, không tấp nập nhộn nhịp mà lặng lẽ, chậm chạp, thậm chí cô tịch và hoang lạnh. Sự im lặng trong tâm thức của con người dẫn đến những nghi ngờ, những cô đơn và vô vọng khủng khiếp. Nó bào mòn con người, nhấn con người chầm chậm chìm vào đầm lầy của sự cô độc. Con đường cách mạng đã xoáy sâu vào tâm thức nước Mỹ, phơi bày một cuộc sống ngầm với những cú vặn mình khốc liệt bên dưới vỏ bọc là sự tẻ nhạt, nhàm chán và vô vị ở ngoại ô vùng Connecticut.
Câu chuyện bắt đầu năm 1955, tại khu vực miền tây Connecticut bằng sự kiện công diễn vở kịch Rừng hóa đá do nhóm diễn Laurel, trong đó có vợ chồng nhà April Wheeler vừa mới chuyển đến khu Đồi Cách Mạng tham dự. Vở kịch được kỳ vọng rất lớn tại khu ngoại ô buồn tẻ này, đặc biệt với April Wheeler, trong nỗ lực thành lập nhà hát cộng đồng. Với một sự tự tin mãnh liệt rằng mình luôn được những người hàng xóm tại vùng dân cư thưa thớt Connecticut nhìn bằng con mắt đầy ngưỡng mộ về cuộc sống phóng khoáng, April Wheeler tin sự xuất hiện của mình trong vai chính vở kịch Rừng hóa đá sẽ là một luồng gió lạ, một hơi thở mới làm thay đổi toàn bộ nhịp sống nơi đây. Gia đình Fank – Wheeler tự tạo cho mình sự cách biệt đúng mực với những người hàng xóm. Vì vậy, thành công của vở kịch Rừng hóa đá sẽ là “cuộc cách mạng”, sẽ đem đến sự tôn vinh cho đôi vợ chồng trẻ mới chuyển đến. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết bắt đầu từ sự kiện đó, những thay đổi, những đổ vỡ, dằn vặt và cuối cùng là bi kịch không những của gia đình Frank – Wheeler mà còn là bi kịch chung của con người Mỹ.
Con đường cách mạng là cuốn tiểu thuyết xuất sắc khi xây dựng sống động một cuộc sống nội tâm lặng lẽ và phong phú. Nhân vật chìm ngập trong những suy nghĩ, những chán nản, những hoài vọng, hy vọng và cuối cùng rơi vào nỗi cơ đơn trơ trọi. Nhà văn Richard Yates đầy mục đích nghệ thuật khi xây dựng tiểu thuyết là sự đối lập giữa cuộc sống thường nhật vẫn diễn ra hàng ngày trên khu Đồi Cách Mạng đều đều như chưa bao giờ thay đổi với một bên là thế giới nội tâm cháy bỏng khao khát về cuộc sống phong phú.
April Wheeler đã hoảng hốt nhận ra rằng mình cũng đang bị bào mòn đi để lẫn vào những con người nơi đây. Mặc dù cả hai vợ chồng Frank -Wheeler vẫn thấy “thật là tồi tệ khi phải sống giữa khu dân cư nhỏ và ngớ ngẩn này… thật là tồi tệ khi phải sống giữa những người mà luôn làm cho chúng ta bị tổn thương từ những việc nhỏ nhất”. Thế nhưng một người chồng viên chức cặm cụi “như một con chó” với đống công việc vô vị, một người vợ luôn tất bật với đống công việc nội trợ và trông nom hai đứa con. Cách giải trí duy nhất là những buổi tụ tập với gia đình nhà Campbell bằng thái độ diễn kịch giả tạo, thêm vào đó là những cuộc viếng thăm của gia đình bà Givings, những người chỉ với mục đích duy nhất là khiến cho đứa con điên của họ có cơ hội hòa nhập khiến vợ chồng Frank – Wheeler không thể cưỡng lại vòng xoáy đang hút họ. Tất cả cố gắng vùng vẫy chỉ được đáp lại bằng bóng đêm và sự im lặng đến tuyệt đối.
Dự định về chuyến đi châu Âu vào mùa thu để thoát khỏi vùng ngoại ô này là những cố gắng nỗ lực cuối cùng trong hành trình tìm kiếm và chốn chạy, đồng thời là cách thức duy nhất mong muốn khuấy động một lần bầu không khí cô đặc nơi đây của gia đình Frank. Wheeler đã hy vọng biết bao nhiêu về chuyến đi đó, chuẩn bị tất cả, trong khi Frank lại nảy ra những do dự khi đang chìm đắm trong cuộc tình vụng trộm với Maureen, khi có cơ hội để thăng chức và kiếm tiền.
Hai thế giới được xác lập giữa hai người, một bên là sự hoảng loạn đến phát điên khi cứ phải ngày ngày lặp đi lặp lại một nhịp sống, một bên là những ám ảnh về quá khứ, về thời thơ ấu, khao khát tiền và quyền lực. Cả hai thế giới đều vô nghĩa như nhau nhưng đã đẩy đôi vợ chồng trẻ đến hai cực của sự cô độc. Tất cả chỉ bùng nổ khi chuyến đi châu Âu vào mùa thu, khi niềm hy vọng cuối cùng tắt lịm vì Wheeler vô tình mang thai đứa con thứ ba. Họ vẫn có thể đi, dĩ nhiên điều đó không ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng Frank đã tìm mọi lý do vô lý dưới những hình thức hợp lý nhất cắt đứt chuyến đi trong hy vọng của vợ mình. Một thế giới sụp đổ. Một thế giới hân hoan. Bất chợt, April nhận ra mình chưa từng yêu chồng của mình như vẫn lầm tưởng. Cô phải đi, phải thoát khỏi nơi này. Cuộc sống của cô câm lặng, như một cái bóng không hồn. Khao khát thay đổi về chuyến đi châu Âu mùa thu cứ vang mãi trong cô.
Không bạo lực, không tình dục, không kinh dị, Con đường cách mạng vẫn khiến người ta phải giật mình thảng thốt rồi lặng lẽ chìm vào những suy tư về giá trị của cuộc sống này. Cuốn tiểu thuyết như một bài hát thầm thì bên tai người đọc về khúc bi ca về sự đổ vỡ và cô độc của con người.
Đan Hà
(Nguồn: Báo Vnexpress)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn