Giới thiệu sách Chủ Nghĩa Tư Bản Phiên Bản 3.0 – Hướng Dẫn Cách Giành Lại Công Sản
Chủ Nghĩa Tư Bản Phiên Bản 3.0:
Công sản – những tạo phẩm của thiên nhiên và xã hội mà chúng ta cùng thừa kế và có bổn phận giữ gìn cho con cháu – đang bị phong toả. Chủ nghĩa tư bản phiên bản 2.0 đã toàn cầu hoá với sự thao túng của các công ty – đang nhanh tay phung phá di sản chung này. Nay Peter Barnes đưa ra một giải pháp: bảo vệ công sản bằng cách trao cho công sản những quyển sở hữu và những thể chế quản lý hữu hiệu.
Barnes cho thấy chủ nghĩa tư bản – tựa như một máy tính – hoạt động nhờ một hệ điều hành. Hệ điều hành hiện nay của chủ nghĩa tư bản trao quá nhiều quyền hành cho những công ty chỉ lo tối đa lợi nhuận hoá lợi nhuận xâu xé công sản và phân phát hầu hết lợi nhuận cho một thiểu số rất nhỏ. Còn chính phủ – trên lý thuyết có nhiệm vụ bảo vệ công sản – lại thường xuyên trở thành công cụ của chính các công ty đó.
Barnes đế nghị một hệ điều hành đã được chỉnh sửa – Chủ nghĩa tư bản Phiên bản 3.0 – để bảo vệ công sản. Phát kiến lớn nhất của ông chính là quỹ tín thác công sản, một thực thể pháp nhân theo cơ chế thị trường có thẩm quyền hạn chế việc sử dụng các công sản khan hiếm, thu tiền thuê, và trả cổ tức – dưới hình thức tiền mặt và lợi ích sử dụng – cho tất cả mọi người.
Cuốn sách đề cập đến vấn đề công sản của xã hội hiện đại, đó chính là thiên nhiên, văn hóa, khoa học, cộng đồng… những thứ thuộc sở hữu của mọi người. Thế nhưng những thứ đó đang dần bị đánh cắp mà chúng ta không hề hay biết.
Qua cuốn sách tác giả nhấn mạnh rằng: những quyền đương nhiên của con người không chỉ có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Con người còn đương nhiên có quyền không bị ô nhiễm, quyền thưởng thức văn hóa và hưởng các tiến bộ khoa học không giới hạn, quyền được chữa bệnh, quyền được có những nền tảng công bằng để bước vào đời. Tất cả những vấn đề này sẽ được giải quyết theo đúng quy luật thị trường trong hệ điều hành kinh tế nâng cấp của Chủ nghĩa tư bản 3.0.
Mục Lục:
Phần I: Vấn đề
Chương 1: Đã đến lúc nâng cấp
Chương 2: Lược sử của chủ nghĩa Tư Bản
Chương 3: Những hạn chế của chính phủ
Chương 4: Những hạn chế của tư hữu hoá
Phần II: Một giải pháp
Chương 5: Tái tạo công sản
Chương 6: Người nhận uỷ thác quản lý công trình thiên nhiên
Chương 7: Những quyền đương nhiên có phổ quát
Chương 8: Chia sẻ văn hoá
Phần III: Biến thành hiện thực
Chương 9: Xây dựng khu vực công sản
Chương 10: Những việc bạn có thể làm
Phụ lục
Tài liệu tham khảo.
Mời bạn đón đọc.
(Thứ Năm, 20/03/2008)
Chủ nghĩa tư bản phiên bản 3.0 – Hướng dẫn cách giành lại công sản, Nhà xuất bản Trẻ)
Lần đầu tiên trong lịch sử, cái thế giới tự nhiên mà chúng ta để lại cho con cái mình sẽ tệ hại hơn rất nhiều so với cái thế giới tự nhiên mà chúng ta thừa kế từ cha mẹ… Chúng ta đang sử dụng hành tinh này như thể không hề có ngày mai…
Cuốn sách được mở đầu như thế, đau đớn và da diết, từ một doanh nhân. Từ nỗi niềm của một người đã thành danh từ hàng loạt hoạt động kinh doanh kiếm lời, Peter Barnes (đồng sáng lập Working Assets) đã lo âu nhìn lại hiện trạng của thế giới, nhìn lên bầu khí quyển bị ô nhiễm, nhìn xuống các tảng băng tan chảy, lắng nghe các cơn bão tố, lũ lụt… để chỉ ra một bài toán: khi chọn lựa, các công ty không chọn cách ít có hại nhất cho thiên nhiên mà chọn cách có lợi nhất với đồng tiền bỏ ra. Phí tổn vào thiên nhiên được tính bằng không. “Chúng ta đẩy phí tổn này qua con cháu và phủi tay thong dong. Chúng ta tiệc tùng, con cháu thanh toán”.
Không chỉ là thiên nhiên, trong khái niệm công sản tác giả cuốn sách còn nhấn mạnh tới yếu tố cộng đồng (nhà bảo tàng, thư viện, thể chế chính trị) và văn hóa (ngôn ngữ, triết học, Internet, truyền hình…), coi đó là một tài sản, một quà tặng mà chúng ta cùng có bổn phận bảo tồn.
Không chỉ là một lời kết tội, một lời kêu cứu, Peter Barnes đã gợi mở những cuộc đối thoại bức thiết của thế kỷ 21, làm mỗi người đọc phải nghĩ nhiều hơn đến ngày mai. Nghĩ để hành động, để bảo vệ công sản của chúng ta.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn