Nguyễn Hữu Tài định cư ở Maryland, Mỹ đến nay đã 14 năm. Trong ngần ấy thời gian hòa nhập với cuộc sống ở xứ người, làm việc công ty Mỹ, nói tiếng Mỹ, tác giả vẫn đặc sệt chất Việt. Xa quê nhưng có đến hơn 20 lần Tài mua vé máy bay về thăm nhà. Nỗi nhớ da diết vùng quê Ninh Hòa nhỏ bé, nhớ con sông Dinh, nhớ bạn bè, người thân và các món ăn dân dã cứ níu kéo bước chân "thiên di" của chàng trai vốn thích đi xa.
Những ngày ở Mỹ, Nguyễn Hữu Tài thường tự nấu ăn. Anh tâm sự thích nhất là ăn mắm và cũng giỏi cách chế biến các món mắm. Khổ nỗi, mùi mắm là mùi mà dân Mỹ sợ nhất! Nên mới có chuyện nấu mắm ăn xong sau đó phải thắp nến thơm để tìm cách tẩy mùi kẻo ảnh hưởng người khác. Anh còn nhớ chuyện cười ra nước mắt khi có lần mang mắm ruột vào sở làm, đến giờ ăn hâm nóng ở lò vi ba thì ai cũng bảo anh đang ăn "hóa chất". Vì món gì mà mùi vị quá lạ lẫm. Mỗi tuần, từ nơi ở của mình, Tài kiên nhẫn lái xe mất 45 phút đi về trung tâm Eden, ở khu ngoại ô, nơi tập trung cộng đồng người Việt để được "chén" những món bánh xèo, bánh chưng, bánh cuốn, bánh bò… cho đỡ nhớ nhà.
Từ những chuyện như thế, mỗi chiều tan giờ làm, Nguyễn Hữu Tài lại đóng cửa phòng viết sách. Cuốn Chồm hổm giữa chợ quê vừa ra mắt độc giả được anh viết trước hết để thỏa nỗi lưu luyến góc bếp quê hương.
Sách dày 288 trang, mở đầu là phần Ơi con sông Dinh với những kỷ niệm về người cha và kết thúc bằng Về ăn cơm với hoài niệm về mẹ. Cha mẹ và quê hương gieo vào ký ức của tác giả những năm tháng tuổi thơ ngọt ngào qua những món ăn mà "… hồi nhỏ tụi tui chỉ mong lớn lên có đủ tiền sẽ mua ăn cho đã, giờ lớn chồng ngồng, tiền dư bạc dả thì chẳng còn ai bán để mà ăn", như lời anh tâm sự trong sách.
Nguyễn Hữu Tài tự nhận, anh không phải là người giỏi nấu nướng nhưng sành ăn, háu ăn và thích ăn ngon. Dù có cơ hội đi nhiều, ăn đủ món Tây, Tàu… nhưng có lẽ không có nơi nào trên trái đất này anh có thể tìm được những món ngon in đậm hồn cốt quê hương bằng ở Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa). Chắc không ít người có thể cảm thông và hiểu được thứ tình cảm chủ quan này của tác giả. Bởi ai mà không có riêng cho mình một ký ức về quê hương. Ai không có riêng cho mình nỗi thèm nhớ về một món ăn quê, món ngon ngày bé mà bà, mẹ hay cha nấu cho cả nhà. Dù đó chỉ là món cơm cháy chiên tép mỡ, món cá trê kho tiêu, con cá rô đồng chiên giòn… Chẳng có gì là cao sang nhưng gói trọn những hương vị, tình cảm khó tả.
Sản vật quê hương, cách chế biến in đậm dấu ấn vùng miền khiến món ăn không chỉ là thứ để nuôi cơ thể người ta sống mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách của mỗi con người.
Nguyễn Hữu Tài kể, ngày đầu mới qua Mỹ, anh không ít lần khóc. Những chiều mùa đông đi làm về, trời u ám, tuyết trắng hai bên đường làm anh nhớ da diết bữa cơm chiều gạo dẻo, những con rạm nhỏ cha bắt được từ sông Dinh được chị ram lên giòn nóng cay cay. Hay con ốc bươu đen hấp sả thơm lừng cả nhà thi nhau xì xụp. Món chanh chua cá trầu, cũng là cá do ba đi quăng bắt trên sông, nuôi mười mấy anh em Tài khôn lớn với những cách chế biến: um, chiên, kho, nấu canh chua mà hương vị giờ có vào nhà hàng sang trọng cũng khó tìm lại được.
Con tép, con cá, con cua, con lươn, con vịt đồng, con sứa, đậu ván, khổ qua, cà dĩa, ngò om… không chỉ là mùi vị ở góc bếp nhà mà còn ra các quán quê, chợ nhỏ. Những gánh hàng với đầy đủ ngọt bùi, mặn, đắng của các mẹ, các chị ở chợ quê sẽ mãi đi theo dấu chân của mỗi người con xa xứ.
Hữu Tài kể, ngày bé, anh từng đi bán kem dạo giúp gia đình ở Dốc Lết, Nha Trang vào ngày lễ. Những chiếc kem nhỏ được bọc trong túi nilon đủ mùi vị của mít, xoài, sầu riêng, đậu xanh được chị, mẹ tỉ mẩn làm vẫn có hôm bị ế khiến cậu bé khóc vì buồn. Để rồi, bao nhiêu năm sau, trên đất Mỹ, trong giấc mơ, cậu bé ngày nào thấy mình khóc như hôm đi bán dạo ế hàng, thấy nước mắt mình rơi, trôi ra biển….
Nhà văn Bích Ngân chia sẻ, chị rất xúc động khi đọc các bài viết trong tập tản văn mới của Nguyễn Hữu Tài. Theo chị, không phải ai cứ có một quê hương, thích ăn uống đều có thể viết ra được một cuốn sách nhiều cảm xúc, hình ảnh và thông tin như Chồm hổm giữa chợ quê. Khi viết ra, in thành sách, tác giả đã san sẻ tình cảm quý giá của mình cho mọi người, để mọi người cùng biết thêm về một vùng đất với những con người chân quê, hồn hậu. "Tôi quý chất thật thà, mộc mạc trong văn của Tài. Cuốn sách mới của anh không chỉ viết về ẩm thực mà còn gói ghém những tâm tưởng quê hương, suy ngẫm về cuộc sống", chị nói.
Nguyễn Hữu Tài là một trong những cây bút "đinh" thuộc Tủ sách 8X của Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ. Tốt nghiệp thạc sĩ Tài chính – Kế toán Đại học Maryland (Mỹ), làm việc ở chuyên ngành hoàn toàn trái ngược với công việc văn chương, nhưng viết lách với anh không chỉ là thói quen mà còn là một đam mê. Từ cuốn sách đầu tiên, Những chuyến thiên di (phát hành năm 2012), đến nay, anh đã có thêm ba cuốn sách ra mắt bạn đọc gồm: Nỗi buồn rực rỡ, Cô đơn thẳng đứng và Chồm hổm giữa chợ quê (2013).
Sách mới vừa ra lò, tác giả đã chuẩn bị bắt tay thực hiện tác phẩm khác – Không thể khóc ở Maryland – viết về vùng đất nơi anh đang cố gắng hòa nhập để sống một cuộc đời sôi nổi trên xứ sở cờ hoa. Với Nguyễn Hữu Tài, viết văn như là cách để anh "lội ngược dòng", đãi tìm những nỗi buồn, niềm vui làm hành trang bước tiếp trong cuộc đời.
(Báo vnexpress.net giới thiệu ngày 9/9/2013)
Thoại Hà
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn