Chờ đợi giọng nói của em không chỉ dành cho các bạn tuổi teen mà còn là một "cẩm nang" dành cho những bậc phụ huynh bận rộn, ít thời gian quan tâm chăm sóc con cái. Đồng thời, các thầy cô cũng cần đọc để hiểu thêm về diễn biến tâm lý phức tạp của học sinh. Lắng nghe các em giãi bày những câu chuyện đời thường xoay quanh các mối quan hệ gia đình
Bạn Điệp Nhi, 19 tuổi, tâm sự: "Ngay từ khi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi đã thường xuyên cãi nhau. Đến năm tôi học lớp 8, tình hình càng nghiêm trọng hơn. Bố thường xuyên đi qua đêm không về nhà. Nghe mẹ nói bố có người khác ở bên ngoài. Tôi sợ lắm nhưng không phải sợ bố sẽ không về nhà mà ngược lại, tôi luôn luôn hy vọng là bố sẽ quay về. Tôi sợ bố mẹ gặp nhau lại cãi nhau. Không chỉ cãi nhau, thậm chí là bố mẹ tôi còn đánh nhau nữa.
Mỗi lần bố mẹ cãi nhau, đánh nhau thì người khổ nhất luôn là tôi. Thấy bố mẹ đánh nhau, tôi thường xông vào can, thế nên hay bị ăn đòn oan. Có lần bố mẹ đánh nhau xong rồi bố lao ra khỏi nhà, bỏ mặc mẹ với cơn giận dữ còn chưa nguôi ngoai. Thế là bao nhiêu tức giận, mẹ trút hết lên đầu tôi. Cứ như vậy, một lần, hai lần, một năm, hai năm… tôi không thể chịu đựng nổi nữa. Năm ngoái, bố mẹ tôi đưa nhau ra toà ly hôn. Nói thật lòng, mặc dù rất buồn nhưng tôi có phần cảm thấy vui mừng vì ít nhất từ đây mình có thể sống những tháng ngày yên bình. Tôi quyết định ở với mẹ, mẹ cũng không hề phản đối".
Không biết các bậc phụ huynh khi nghe những lời tâm sự nghẹn ngào của Điệp Nhi sẽ cảm thấy thế nào? Đây không chỉ là nỗi khổ tâm của riêng Điệp Nhi mà đó là nỗi buồn của hàng triệu trẻ em ở khắp nơi trên thế giới khi sống trong một tổ ấm không hạnh phúc.
Câu chuyện của bạn Triều Huy, 16 tuổi, cũng khiến các bậc phụ huynh phải suy ngẫm: "Đét! Cái roi trên tay thầy giáo quật trúng cào cánh tay của Vương Bình, một vệt màu đỏ lập tức hằn lên trên tay cậu ấy. Tiếng của thầy giáo đanh thép: 'Trong mắt của cậu còn một chút kỷ luật nào nữa hay không? Có còn người thầy này không? Tôi phải đến đây từ sáng sớm để dạy bù cho các cô các cậu. Cậu thì giỏi rồi, cứ như là ông chủ nhỏ ấy, giờ này mới đủng đỉnh đến. Tại sao lại đi học muộn? Có phải muốn tôi mang xe đến rước cậu không hả?'. Nếu bình thường thầy chỉ mắng đến đó là thôi, để tiếp tục lên lớp. Nhưng hôm đó chắc tâm trạng không được tốt, nên thầy liền nhìn đồng hồ rồi nói với Vương Bình: 'Hôm nay cậu đi muộn 20 phút, vậy cậu hãy tự tát mình hai mươi cái. Tôi phải cho cậu bài học nhớ đời!'".
Chuyện bạo lực học đường và cái nỗi lo sợ thầy cô giáo đánh đập và dùng biện pháp sỉ nhục học sinh của mình tại lớp học đang là một hồi chuông cảnh báo tới ngành giáo dục. Sự thiếu bản lĩnh và khả năng giáo dục của thầy cô giáo dẫn tới những hành động tiêu cực, phi giáo dục đang xảy ra ngày một nhiều.
Cuốn sách Chờ đợi giọng nói của em giống như một cứu cánh giúp các bạn tuổi teen trưởng thành hơn từ những chia sẻ, tâm tình đằng sau những bức thư còn vương mùi giấy học trò. Đây là cuốn sách đáng để cho các bạn trẻ đang cắp sách đến trường được sẻ chia và hướng dẫn về cách sống, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo đọc để có một "cẩm nang" trong biện pháp giáo dục con em mình.
Thục Yên
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn