Giới thiệu sách Cha, Con & Những Thước Phim
Cha, Con & Những Thước Phim
Người cha đã nhìn thấy mình thuở nhỏ trong hình bóng của Jesse Gilmour – cậu con trai đang ở cùng vợ cũ. Ông băn khoăn "Jesse cần phải làm một cái gì đó, nhưng chính xác là phải làm gì? Tôi có thể cho nó làm việc gì mà không động chạm đến những thất bại ở trường học? Nó không thích đọc và cực ghét thể thao. Jesse thích điều gì? Nó rất thích xem phim. Ngay cả tôi cũng thích." Và quyết định cuối cùng đã được đưa ra: "Con không cần phải làm việc, cũng không cần phải trả tiền thuê nhà. Hàng ngày con có thể ngủ tới năm giờ chiều cũng được. Nhưng không được hút thuốc… Bố muốn mỗi tuần, con sẽ cùng bố xem ba bộ phim. Bố sẽ là người lựa chọn phim. Đây là kiến thức duy nhất con sẽ phải học."
Quyết định này được đưa ra bởi ông nghĩ "đây một cách tốt nhất để đi sâu vào những bộ phim nghệ thuật của Châu Âu, tôi biết những bộ phim này sẽ khiến nó không chán khi nó học được cách để xem chúng. Điều đó cũng giống như một sự biến tấu trong việc học ngữ pháp thông thường". Liệu đó có phải là một quyết định liều lĩnh, sai lầm của một người cha – người đang quyết định số phận cuộc đời con trai mình?
Cuốn sách The film club là câu chuyện có thật diễn ra trong ba năm của tác giả David Gilmour và con trai ông – hai thành viên duy nhất của câu lạc bộ phim sinh hoạt hàng tuần tại ngôi nhà nhỏ của mẹ Jesses. Những bộ phim được chiếu trong câu lạc bộ này do David chọn bằng kinh nghiệp của một nhà phê bình tài năng và lém lỉnh. Mỗi bộ phim được chiếu, ông tóm tắt nội dung, giới thiệu về tác giả, các diễn viên, giải thích từ việc làm phim, các cảnh quay cho đến những việc ở hậu trường. Tham gia câu lạc bộ của hai cha con Gilmour, độc giả sẽ như được xem tận mắt những bộ phim kinh điển: Crimes and Misdemeanors (Trọng tôi và khinh tội) (1989), Basic Instinct (Bản năng gốc) (1992), Giant (Người khổng lồ) (1956), Notorious (Khét tiếng) (1946), The Shinning (Ngôi nhà ma) (1980), Around the world (Vòng quanh thế giới) (1956), Last Tango in Paris (Bản tango cuối cùng ở Paris) (1972)… Những bộ phim hiện lên thật sống động, hấp dẫn qua lời kể của David – một nhà phê bình phim kinh nghiệm và hóm hỉnh.
Những buổi sinh hoạt của câu lạc bộ kì lạ này, không chỉ đơn thuần là những kiến thức về điện ảnh, mà đó là thời gian David quan sát cậu con trai đang tuổi dậy thì, suy nghĩ những việc cần làm cho Jesse và đôi khi đó là khoảng thời gian hai cha con tâm sự về tất cả những mối quan tâm của Jesse: Tương lai, bạn gái, thuốc lá, rượu, ma túy, công việc…. "Khi con đi học ở trường, con phải lo lắng về việc bị điểm kém và gặp rắc rối. Bây giờ, con không phải đến trường nữa, con lo lắng rằng, có thể con đã hủy hoại cuộc đời mình"… Hi vọng, lo lắng, thất vọng, giận dữ, hoài nghi, mừng vui… tất cả những cảm xúc đó được trải nghiệm qua từng bộ phim và từng trải nghiệm thực tế của Jesse.
Mỗi bộ phim là một câu chuyện, một thông điệp mà các đạo diện, diễn viên và êkíp thực hiện gửi gắm. Qua những thước phim ấy, David đã dạy con cách sống bằng một phương pháp đặc biệt. Ông đã biết cách để Jesse tự quyết định cuộc đời của chính mình.
Jesse đã vào đời từ những thước phim…
Những lời khen tặng dành cho cuốn sách:
"Một cuốn hồi kí thông thái." – USA Today
"Nhẹ nhàng… một bức chân dung tuyệt đẹp, không tô vẽ về những người cha và những cậu con trai – có những điều không theo qui tắc, có những rạn vỡ, tổn thương và có cả tình yêu thương." – Newsweek
Cuốn sách kể lại chi tiết về mối quan hệ giữa cha và con, gần gũi và gắn bó đến mức khiến nhiều bậc cha mẹ có con ở lứa tuổi thiếu niên phải ganh tỵ." – San Joe Mercury News
"Chân thành… khiến tôi không chỉ một lần xúc động và bật khóc." – Douglas McGrath, Chuyên mục điểm sách của New York Times
Tác giả: David Gilmour sinh ra tại ontario London vào năm 1949. Gilmour từng làm việc cho Liên hoan phim Quốc tế Toronto, sau đó bước chân sang lĩnh vực quảng cáo tại Công ty Quảng cáo Canada (CBC), tại đây ông giữ vai trò là nhà phê bình điện ảnh quốc gia cho chương trình The Journal. Ông còn là người tổ chức và hướng dẫn chương trình Gilmour on Arts trên kênh Newsworld của CBC; chương trình này đã đoạt Giải thưởng Gemini. Từ 1997 ông rời truyền hình để theo đuổi sự nghiệp viết lách. David Gilmour là một tiểu thuyết gia đã nhận được lời khen ngợi của những người nổi tiếng như William Burroughs và Northrop Frye, những tác phẩm của ông đã được đăng trên The New York Times và tạp chí People. Ông đã xuất bản 6 cuốn tiểu thuyết: Lost Between Houses (1999), Sparrow Nights (2001), A Perfect Night to Go to China (2005), Back on Tuesday (2006)… Cuốn tiểu thuyết mới đây nhất là cuốn A Perfect Night to Go to China (Đêm tuyệt vời để tới Trung Hoa) giành Giải thưởng của Toàn quyền Canada dành cho tiểu thuyết năm 2005.
Mời bạn đón đọc.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn