Giới thiệu sách Câu Chuyện Ngày Xuân
Câu chuyện mang vẻ đẹp của tình người nở rộ trong nhữngnăm tháng khó khăn. Đây là tác phẩm đã lấy đi nước mắt của cả ba thế hệ 7X, 8X,9X.
Mặc Trì là con trai cả vị thị trưởng thành phố X. Trong cuộc Cách mạng văn hóa, anh bị Hồng vệ binh đánh đập, trói giam và vì không được chữa trị kịp thời, nên từ một thiếu niên 14 tuổi khỏe mạnh, anh đã trở thành một kẻ tàn phế, chân trái bị cưa cụt đến tận đùi, chân phải cũng không còn lành lặn, còn bị thêm bệnh viêm phổi và rất nhiều di chứng khác. Sau cuộc cách mạng văn hóa, cha mẹ Mặc Trì được khôi phục chức vụ. Lúc này anh đã 22 tuổi. Thương con trai mình, mẹ Mặc Trì – một cán bộ hội phụ nữ cấp cao đã quyết định nhờ người thân tìm cho Mặc Trì một cô gái nông thôn làm vợ. Chung Tư Tồn – cô gái nông thôn 16 tuổi đang học lớp 10 được mẹ Mặc Trì ngấm ngầm làm thủ tục kết hôn, đưa về nhà và trở thành vợ chính thức của anh. Mặc Trì không muốn một người tàn phế như mình làm lỡ dở cuộc đời một cô gái trẻ nên ban đầu anh dùng mọi cách, từ lạnh nhạt đến quát mắng nhằm cố tình đuổi Tư Tồn đi. Nhưng Tư Tồn, cô gái nông thôn thật thà, do đã nhận lời người làm mai mối nên nhất quyết giữ lời hứa, muốn ở lại chăm sóc cho Mặc Trì suốt đời. Em gái Mặc Trì, Mặc Tĩnh Nhiên rất quý mến Tư Tồn nên đã nhanh chóng trở thành người bạn thân thiết của cô.
Tuy Tư Tồn là một cô gái nông thôn, nhưng lại được học hành, chỉ vì cha mẹ đồng ý gả cô cho nhà Mặc Trì nên Tư Tồn mới phải bỏ học. Là một cô gái thông minh, ham học, lại hết sức ngoan ngoãn nên chẳng bao lâu, Mặc Trì dần dần có tình cảm với cô. Cha mẹ Mặc Trì là quan chức cao cấp nên bận đi làm cả ngày, Tĩnh Nhiên cũng phải đi học, vì thế, đa số thời gian, trong nhà chỉ có Tư Tồn và Mặc Trì đều ở bên nhau. Mặc Trì tuy tàn phế, nhưng lại hết sức uyên bác, vì thế, anh dần dần dạy Tư Tồn rất nhiều tri thức, từ văn chương thi phú tới đánh cờ, thư pháp. Tư Tồn trước nay vốn không hề chê bai hay để bụng việc Mặc Trì là một người tàn phế, cũng không lấy việc phải hầu hạ anh suốt đời làm buồn phiền. Khi phát hiện ra Mặc Trì là một chàng trai học thức uyên bác, lại vô cùng dịu dàng, chu đáo, Tư Tồn cũng bắt đầu yêu thương Mặc Trì một cách chân thành.
Sau cách mạng văn hóa, chính phủ Trung Quốc mở lại kỳ thi đại học. Tĩnh Nhiên thi vào Đại học Bắc Kinh, còn Tư Tồn, dưới sự động viên và giúp đỡ của Mặc Trì cũng thi vào Đại học Phương Bắc. Tuy Mặc Trì rất tài giỏi, nhưng chỉ vì anh là một kẻ tàn phế nên không được dự thi, vì thế anh đặt hết hi vọng của mình lên vai Tư Tồn. Tư Tồn và Tĩnh Nhiên đều thi đỗ đại học, Tĩnh Nhiên lên Bắc Kinh, còn Tư Tồn vào nội trú của Đại học Phương Bắc. Mỗi tuần Tư Tồn và Mặc Trì chỉ được gặp nhau một lần. Thành tích học tập của Tư Tồn rất tốt, cô lại còn là một cô gái xinh đẹp, vì vậy trong thời gian học, có anh chàng tên Giang Thiên Nam theo đuổi cô, và vì cố tình hôn Tư Tồn, lại bị nhiều người nhìn thấy, nên Giang Thiên Nam đã khiến sự việc trở nên nghiêm trọng, khắp trường, lời đồn thổi bàn tán xôn xao. Mọi việc đến tai Mặc Trì, anh không hề tức giận mà còn hết sức bảo vệ Tư Tồn trước dư luận. Điều khiến Mặc Trì đau lòng nhất chính là bị Giang Thiên Nam hạ nhục, rằng một kẻ tàn phế cụt chân như anh, thì dù có là con thị trưởng, dù có tài hoa, dù có đẹp trai thì cũng không thể bảo vệ được Tư Tồn. Nhưng qua lần thử thách này, tình yêu của Tư Tồn và Mặc Trì càng trở nên thắm thiết, sâu đậm.
Sau bốn năm lấy Mặc Trì, đúng lúc tình cảm của hai người đang vào lúc mặn nồng nhất thì có tin sét đánh: người cha đẻ của Tư Tồn tìm đến, đòi nhận cô sau 20 năm thất lạc. Cha đẻ của Tư Tồn tên Lý Thiệu Đường, là người con của gia đình trí thức Thượng Hải, vì cách mạng văn hóa mà nhà tan cửa nát, người vợ yêu qua đời khi sinh Tư Tồn. Ông không còn cách nào khác phải đưa Tư Tồn cho một nhà nông dân nuôi dưỡng, còn mình thì bỏ trốn sang Mỹ. Sau 20 năm ở Mỹ, ông đã có một sự nghiệp lớn, vào lúc Trung Quốc thay đổi chính sách, cải cách mở cửa, Lý Thiệu Đường quay về nước đầu tư, nhưng quan trọng hơn là tìm lại con gái. Khi biết con gái mình bị gia đình nông dân kia “bán” cho nhà Mặc Trì, lại nhìn thấy Mặc Trì là một kẻ tàn phế, ông rất tức giận và quyết tâm bắt hai người phải li hôn. Lúc đó Tư Tồn đang có thai, nhưng chính Mặc Trì lại chưa chuẩn bị tinh thần để được làm cha, vì anh luôn canh cánh trong lòng việc mình chỉ là một kẻ tàn phế, chưa dám đối mặt với việc mình sẽ được làm cha, không muốn đứa con tương lai nhìn thấy bộ dạng tàn phế của mình. Lý Thiệu Đường là khách quý, là nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch Mỹ nên được thị ủy quan tâm, hơn nữa, chính vì gia đình Mặc Trì quả thực đã “mua” Tư Tồn nên quả thực đuối lý, đành thuận theo Lý Thiệu Đường bắt đôi vợ chồng trẻ phải li hôn. Trong một lần Lý Thiệu Đường và Mặc Trì cùng giằng co để giành Tư Tồn về phía mình, Tư Tồn đã bị ngã và sảy thai. Trong lúc chăm sóc Tư Tồn, Lý Thiệu Đường đột ngột bị xuất huyết não, gần như trở thành người thực vật. Và điều duy nhất khiến ông ổn định tinh thần là việc Tư Tồn và Mặc Trì li hôn để Tư Tồn theo ông về Mỹ chữa trị. Đôi vợ chồng trẻ không còn cách nào khác, mẹ Mặc Trì cũng chỉ đành giấu hai người làm giấy li hôn cho họ. Đêm trước ngày tiễn Tư Tồn ra sân bay, Mặc Trì lên cơn ốm nặng, không kịp đi tiễn cô. Tất cả thư từ Tư Tồn gửi từ Mỹ về đều bị mẹ Mặc Trì giữ lại, vì thế hai người mất liên lạc với nhau, và đều hiểu lầm rằng người kia không còn yêu mình nữa.
Bạn hãy đọc Câu chuyệnngày xuân để cảm nhận chân thực về một tình yêu như thế.
Mời bạn đón đọc.