Văn hào người Đức Thomas Mann (1875 – 1955) nổi tiếng với các bộ tiểu thuyết vĩ đại như Gia đình Buddenbrook (1901), Ngọn núi phù thủy (1924) và đoạt giải Nobel văn học năm 1929. "Chết ở Venice" được xem là mẫu mực của thể loại tiểu thuyết ngắn, kiệt tác văn học thế kỷ XX. Sách nằm trong tủ sách "Cánh cửa mở rộng" (NXB Trẻ ấn hành) với lời giới thiệu của GS. Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt: "một trong những cuốn sách hay nhất về tình yêu."
Câu chuyện mở ra trong thời gian không mấy rõ ràng. "Vào một buổi chiều mùa xuân năm 19…" nhà văn bậc thầy Aschenbach định tản bộ một vòng quanh thành phố. Chuyến đi ngờ đâu lại "thức tỉnh trong ông thú lãng du thời trai trẻ." Ông muốn "bỏ đi thật xa" để "tìm kiếm những điều mới lạ".
Bằng câu văn đẹp, sáng rõ, Thomas Mann dẫn người đọc đi từ thành phố Munich (Đức), băng qua một hòn đảo trên biển Adriatic (Italia), lênh đênh trên một chiếc tàu thủy để tới Venice – "thành phố hư ảo nhất trần đời". Ở đấy nhân vật chính đã rơi vào tình yêu đơn phương với một cậu bé tên gọi Tadizo – người mang "vẻ đẹp hoàn hảo".
Theo một khía cạnh nào đó, "Chết ở Venice" là một câu chuyện về tình yêu với những cung bậc cảm xúc khi mãnh liệt, nồng nàn, lúc thâm trầm, day dứt. Nhưng không chỉ thế, ẩn sâu đó còn là một cuộc hành trình trong tư tưởng của một người nghệ sỹ trên con đường kiếm tìm, vươn đến cái đẹp hoàn mỹ. Ngòi bút phân tích tinh xảo Thomas Mann đã đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật Aschenbach – một nhà văn "mẫu mực" với tinh thần "kỷ luật tự tu dưỡng", chạm đến cõi miền tâm lý sâu thẳm nhất với những giằng xé phức tạp giữa đạo lý "khe khắc" và cảm xúc nội tại mới bừng nở, giữa tu dưỡng kỷ luật và tự do phóng đãng .
Khi nhìn thấy cậu bé Tadzio, nhà văn Aschenbach đã tin rằng ông đã giác ngộ được "bản thể của cái đẹp", "sự hoàn hảo thuần khiết". Chính sự gặp gỡ này khiến ông "muốn viết" và phát hiện ra rằng "chính đam mê làm ta cao cả", "những người thi sĩ không thể dấn bước trên con đường hưởng thụ cái đẹp mà không có thần ái tình Eros đi theo trợ lực đưa lối dẫn đường."
Liệu rằng người nghệ sỹ sẽ tìm tục cuộc hành trình tìm kiếm không mệt mỏi ở "khoảng không mênh mông đầy hứa hẹn ấy"? Cái kết lặng lẽ, cô độc mà Aschenbach dành cho mình phải chăng là quá cực đoan, hay đầy dũng cảm? Mỗi người đọc khi đến với "Chết ở Venice" sẽ có câu trả lời cho mình. Và kiệt tác ấy đủ khả năng ám ảnh tâm hồn bạn, khiến phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần.
HOÀNG MAI
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn