Giới thiệu sách Các Quá Trình, Thiết Bị Trong Công Nghệ Hoá Chất Và Thực Phẩm – Tập 5: Các Quá Trình Hoá Học
Ngành kỹ thuật hoá học "Quá trình – thiết bị công nghệ hoá chất" (Chemical Engineering) xây dựng và phát triển trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa những qui luật của sản xuất và những qui luật của tự nhiên. Mục tiêu của ngành dựa vào những kết quả thực nghiệm từ phòng thí nghiệm để xây dựng những pilôt và triển khai vào sản xuất lớn. Từ kết quả nghiên cứu quá trình để chọn, thiết kế hoặc cải tiến thiết bị, nhằm hoàn thiện hơn nữa qui trình công nghệ. Lần đầu tiên Damkohler (1935) đã hình dung được bước quá độ giữa khoa học kỹ thuật. Ông đã đề ra được nhiều qui luật từ kinh nghiệm sản xuất với cơ sở của khoa học tự nhiên. Đó là những phương pháp toán học, cách xử lý và vận dụng vào thực tiễn sản xuất. Phần lớn những mô hình toán được đưa ra dưới dạng phương trình vi phân. Chúng được khái quát hoá và có khả năng mô tả mọi quá trình diễn biến trong thiết bị.
Các quá trình hoá học là một bộ phận quan trọng của quá trình thiết bị, đã được Brotz định nghĩa trong quyển sách "Cơ sở kỹ thuật phản ứng hoá học" (Grundriss der Chemischen Reaktionstechnik) như sau: "Kỹ thuật phản ứng bao gồm những kiến thức về các quá trình của phản ứng hoá học, là cơ sở để giải thích các hiện tượng hoá kỹ thuật và được v ận dụng để xây dựng những điều kiện tối ưu cho thiết bị phản ứng…"
Quá trình và thiết bị phản ứng được xây dựng trên cơ sở kiến thức của quá trình thuỷ lực, quá trình chuyển chất và truyền nhiệt. Nó được tập hợp kiến thức nhiệt động, động hoá học và trong một số trường hợp sử dụng cả những kiến thức điện hoá, quang hoá và sinh hoá. Tuy nhiên đây cũng chỉ là những kiến thức cơ sở để giúp cho sinh viên nhận thức đầy đủ những quá trình cơ bản trong sản xuất công nghiệp thuộc ngành hoá chất, thực phẩm và các ngành có liên quan khác. Đồng thời là tài liệu tham khảo để tính toán và thiết kế thiết bị phản ứng.
Mục lục:
Lời nói đầu
Chương 1. Phương trình dòng
Chương 2. Phương trình tỷ lượng
Chương 3. Nhiệt động hoá học
Chương 4. Động hoá học của phản ứng
Chương 5. Tính toán thiết bị phản ứng
Chương 6. Ví dụ và bài tập
Tài liệu tham khảo
Mời bạn đón đọc.