Sau khi li dị, Miranda giành quyền nuôi ba con, chỉ cho chúng gặp ông bố Daniel một tuần hai lần. Mặc dù vô cùng bận bịu, cô không chịu gửi con sang cho Daniel trông và luôn cố để bọn trẻ gần gũi anh càng ít càng tốt. Nhiều lần bốn bố con Daniel bàn nhau sẽ "nổi dậy" chống trả. Nhưng rồi chỉ cần nhìn thấy Miranda là cuộc "nổi dậy" ấy chết yểu, để lại nỗi bực tức đóng cục đóng hòn trong lòng Daniel, song anh cũng chỉ dám tiêu diệt cô bằng súng trường, thòng lọng… trong tưởng tượng.
Bìa cuốn "Bố là bà giúp việc". Bộ phim cùng tên được chuyển thể từ tác phẩm này đã lọt vào top 100 phim hài hước nhất thế kỷ 20.
Biết Miranda tìm người giúp việc để thay cô trông nom bọn trẻ và dọn dẹp nhà cửa, Daniel – vốn là diễn viên thất nghiệp – đã đóng giả phụ nữ để tới nhà vợ cũ xin việc. Ngay từ lần đầu tiên bà Doubtfire tới nhà, lũ trẻ đã nhận ra đó là bố chúng và bốn bố con cùng vào hùa để qua mắt Miranda.
Daniel vẫn bị vợ chê vì ăn ở luộm thuộm, nhưng khi anh hóa thân vào bà Doubtfire thì cô lại không chê vào đâu được. Từ khi có bà Doubtfire tới giúp việc, nhà Miranda lúc nào cũng gọn gàng sạch sẽ. Cô đi làm về là được nằm nghỉ ngơi bên lò sưởi ấm áp, lũ trẻ ngoan ngoãn và chăm học hẳn, không những thế, mấy cây cảnh sắp chết rũ trong nhà cũng được cứu sống.
Miranda nhận thấy từ ngày có bà Doubtfire, mọi thứ trong cuộc sống của cô đều suôn sẻ, ngoại trừ ông chồng cũ Daniel là thỉnh thoảng gây khó dễ cho cô vì cứ đòi thêm thời gian bên lũ trẻ. Bực mình với chồng cũ, Miranda nghĩ cách chơi anh một vố thật bẽ mặt. Chả là cô được bà hàng xóm Hooper cho hay Daniel làm người mẫu khỏa thân cho lớp vẽ của bà ta, mà sắp tới họ chưa có chỗ nào học nên muốn học nhờ nhà cô. Cô đã đồng ý vì muốn anh chồng cũ phiền phức phải mất mặt khi đứng khỏa thân trước sự chứng kiến của các con. Vậy là vô tình cô đã đẩy Daniel vào tình huống khó khăn hơn gấp bội: đóng đồng thời hai vai – Bà Doubtfire kiêm Người mẫu khỏa thân. Liệu rằng Miranda có phát hiện ra trò đùa bấy lâu nay của bố con Daniel không? Nếu cô phát hiện ra thì sẽ ra sao?
Bố là bà giúp việc là câu chuyện hài hước dí dỏm. Nhưng sau mỗi nụ cười lại phảng phất nỗi cay đắng của một gia đình đổ vỡ. Tác giả Anne Fine đã chọn được một cốt truyện độc đáo, vừa có đất thể hiện văn phong hài hước vốn có của mình lại vừa thể hiện sự tinh tế trong miêu tả tâm lý nhân vật.
Trong câu chuyện, sự va đập của hai tính cách trái ngược giữa Miranda và Daniel làm thành nỗi bức bối âm ỉ, lâu lâu lại bùng nổ thành những trận đấu khẩu nảy lửa, để rồi người phải hứng chịu lại chính là ba đứa trẻ nhỏ. Mỗi đứa thể hiện nỗi đau một cách khác nhau. Lạ lùng nhất là Peter, mỗi lần bố mẹ cãi vã là thằng bé thường ngân nga, "tiếng ngân nga yếu ớt không thành giai điệu thể hiện nỗi đau bị kìm nén". Những hằn học giữa hai vợ chồng Daniel và Miranda, những nỗi đau mà ba chị em Lydia phải chịu đựng khi chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã… tất cả đều được thể hiện hết sức tinh tế, hài hước mà không kém phần chua chát.
Phần đầu Bố là bà giúp việc có thể nói là phần của tiếng cười, tiếng cười lên tới cao trào thì rơi vào nước mắt. Tuy thế, cần có nước mắt thì mới giải quyết nổi xung đột gia đình ấy, những giọt nước mắt của lũ trẻ đã giúp bố mẹ chúng hiểu ra sự vô tâm ích kỷ của mình bao năm qua.
Tờ Independent đã không hề quá lời khi nhận định: Anne Fine có thể mang đến cho bạn tiếng cười nhưng cũng có thể lấy đi của bạn nước mắt. Bà là một báu vật mà nếu giữ riêng cho thiếu nhi thôi thì uổng quá!
Vài nét về tác giả Anne Fine:
Anna Fine sinh năm 1947 tại Leicester, Anh. Bà tốt nghiệp ngành Chính trị tại Đại học Warwick và hiện đang sống tại hạt Durham. Fine được biết tới với hơn 50 tác phẩm dành cho thiếu nhi, trong đó Ăn bằng xiên và Viết như gà bới đã được Nhã Nam giới thiệu tới độc giả Việt Nam. Bà là người thứ hai được chỉ định giữ danh hiệu Children's Laureate – danh hiệu tôn vinh các tác giả hoặc người vẽ minh họa sách thiếu nhi xuất sắc. Fine còn là thành viên của Hội Văn học Hoàng gia Anh và năm 2003 được trao Huân chương Hoàng gia Anh.
Nam Nhân
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn