Nguyễn Ngọc Tư
Nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn trẻ thuộc thế hệ hậu chiến (sinh năm 1976) tại tỉnh miền cuối nước Việt là Cà Mau, lớn lên ở đây, đi làm và viết văn cũng ở đây. Cô có sách được xuất bản rất sớm vì có tài viết truyện loại đồng quê cho nhi đồng và …
- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
“Làm sao giải thoát được sự cô đơn, làm sao nói với nhiều hơn một người, tôi tự hỏi mình câu hỏi đó khi bắt đầu tuổi mười tám trên một mảnh vườn thênh thang vắng rợn bóng người. Những năm sau đó thật là dài, như vô tận, với một đứa trẻ luôn cần sự sôi động. Và tôi viết văn. Câu hỏi mà những người thân đặt ra khi nhìn thấy những trang viết đầu tiên của tôi là “ Tại sao con viết văn?”. Tôi bảo rằng, tại con buồn.
Đó là ngộ nhận đầu tiên của tôi về nghề viết, tôi tưởng viết là sẽ không cô đơn nữa. Nhưng cô đơn là sự tối cần của người viết, nó là một điều kiện hàng đầu của nhà văn. Không một người viết hay nào tôi biết mà không cơ đơn, không một thần tượng văn chương nào của tôi mà không bị cô đơn giày vò. Và để chạy trốn nỗi cô đơn trong giao tiếp đơn thuần mặt nhìn mặt, tay nắm tay, việc viết văn đã dẫn tôi đến sự cô đơn khác, đó là ở giữa đám đông, mà họ không thấy tôi, hoặc họ thấy một cái gì đó giống tôi, họ tưởng là tôi, nhưng tôi đang đứng ở một chỗ khác, một mình, chờ một nhịp tim đồng cảm. Khi người ta bằng mọi cách chạy trốn sự cô đơn thì tôi, và những đồng nghiệp của tôi lại nuôi cô đơn, cho nó ăn để duy trì sự cô đơn tồn tại trong người mình cho cái gọi là sáng tạo văn chương…
…Tôi luôn tự hỏi, mình đã đủ tỉnh táo chưa, đầu mình đã đủ lạnh chưa cho một trái tim quá nóng? Những trang viết này có làm mình xấu hổ không, có đi vào lòng người không, có khiến người ta nhớ không? Những câu hỏi đặt ra chỉ là cách để tôi không phải vướng vào một ngộ nhận sơ đẳng nhất, nhưng dễ giết chết người viết văn nhất, đó là ảo tưởng về mình. Tôi sợ mất mình, sợ lạc mình ở một nơi mà cả đời người không tìm lại được vì tưởng mình đã ở quá cao. Thực tế, trong văn học không hề có đỉnh cao nào, và tôi chỉ là người viết cô đơn ngơ ngác bên chân núi.
Chỉ cần giữ được mình, dù thời gian tiếp nối, những ngộ nhận cũng tiếp nối, lên một bậc thang, ngoái nhìn bên dưới, tôi sẽ nhìn rõ hơn con đường mình từng đi. Nó in hằn những bước chân lúc thẳng, cương quyết, lúc chuệch choạc, ngập ngừng.
Ngày mai, khi nghĩ về những gì tôi phát biểu trong cuộc gặp gỡ này, rất có thể tôi sẽ tự cười mình. Bản thân tác phẩm của mỗi người viết văn đã nói lên nỗi buồn, nỗi cô đơn, tư duy sáng tạo, cách nhìn cuộc sống….” (Nguyễn Ngọc Tư)
Mục lục:
Thay lời tựa: Lớn lên từ những ngộ nhận
Dời bến
“Tóc nào hãy còn xanh…”
Chọn lựa của nụ cười
Đi một vòng đời
Người dưng
Biển của mỗi người
Những bình minh khác
Chị gái Sài Gòn, giờ tóc đã qua vai?
“Ta vô tình đi lướt qua nhau”
Tin sáng và những Vân Tiên đã mất
Giá của một gương mặt
Nón và người
Nhịp cầu ảo
Nỗi nhớ con người
Khúc hát lên đường
Bến Tre
Viêngxay – ngày vắng mặt trời
….
Mời bạn đón đọc.
Biển của mỗi người
Những câu chuyện rời rạc, những mạch cảm xúc lắp ghép vào nhau… thế nhưng Biển của mỗi người không hề vỡ vụn. Tất cả tạo nên bức tranh để mọi người vừa đọc, vừa nhìn, vừa tưởng tượng và cả trào lên những mạch rung cảm đã bị chôn vùi nơi phố thị…
Những câu chuyện rời rạc, những mạch cảm xúc lắp ghép vào nhau… thế nhưng Biển của mỗi người không hề vỡ vụn. Tất cả tạo nên bức tranh để mọi người vừa đọc, vừa nhìn, vừa tưởng tượng và cả trào lên những mạch rung cảm đã bị chôn vùi nơi phố thị…
Dường như tác giả Nguyễn Ngọc Tư quy tất cả cảm xúc về một mẫu số chung, đó là cái gốc làng quê rơm rạ. Dù nói chuyện đông, chuyện tây, dù đến những nơi ngập tràn ánh đèn rực rỡ chị vẫn cồn cào về bước chân đầu tiên lấm đầy bùn đất.
Những con chữ của Ngọc Tư khiến người đọc giật mình tự hỏi: Phải chăng phố thị đã dần xóa đi dấu tích ký ức của những miền quê. Đâu đây mùi rơm rạ, cánh đồng, mùi sông, mùi ánh trăng, mùi nhớ cứ dậy lên ngầy ngậy. Đó là những Rơm rạ xốn xang, Đi một vòng đời, Biển của mỗi người…
Tác giả viết Đi một vòng đời bằng một mẩu tản văn nhỏ. Thế nhưng, những chiêm nghiệm không hề giảm đi mà được nén một cách đầy đủ. Bởi đi một vòng đời từ những lát cắt của việc làm hộ chiếu, chụp hình thẻ phải lòi vành tai… để rồi giao thoa tạo nên cảm xúc thật: “Chiều nay đi chụp ảnh. Vô tiệm thứ nhất, khi lấy hình mới hay mình không lòi… vành tai. Vô tiệm thứ hai, cái mặt rất… khùng. Nhưng thôi kệ, miễn có lỗ tai là ok. Phát hiện ra mình có… vành tai. Bấy lâu nay nó nằm… sau tóc. Nhận những thứ thuộc về mình mà ngơ ngác nửa đời người”.
Chính cách viết nhẩn nha như rong chơi ấy của Nguyễn Ngọc Tư đã nhẹ nhàng đi vào lòng người đọc. Có những thứ tưởng chừng bình thường như rơm rạ cũng chợt trở nên xốn xang. Các vật phẩm được làm bằng rơm rạ như ngôi nhà, đôi giày nhỏ, đàn trâu, bầy khỉ được chưng trong tủ kính lấp lánh ánh đèn. Có thể thấy cái nơi sang trọng ấy đã che lấp đi vẻ mộc mạc, giản dị hiển hiện trên từng cọng rơm. “Không cầm lòng được, vì rơm rạ quê mùa quá đẹp, nhưng ráo hoảnh, buồn thiu”. Đâu đây hồn cốt quê nhà đang rưng rức khóc như muốn níu giữ cái gốc văn hóa bình dị, sâu xa.
Biển của mỗi người như những nốt thăng trầm trong cuộc đời. Không phải là những con sóng lớn, chỉ là chút gợn lăn tăn nhưng cũng đủ làm lay động cảm xúc người đọc. Những suy tư về sự cô đơn, tình người cùng các giá trị trong cuộc sống được viết dưới dạng tạp bút, tản văn khiến tất cả đều trở nên nhẹ nhàng, bình dị. Đặc biệt chất văn rất… Ngọc Tư không thể lẫn vào đâu được, đọc mà nghe chao chát, mênh mông.
Sách tập hợp 30 bài tạp văn đã đăng tải trên các báo, tạp chí như là sự tinh chiết cảm xúc của tác giả. Nhiều những triết lý về giá trị cuộc sống được chuyển tải một cách tinh tế và sâu sắc. Giống như trong Sỏi đá buồn tênh, nhà văn nữ tâm sự: “Tôi nghĩ nghề viết và người viết cũng đơn giản vậy, chữ lành, an ủi những vết thương của người đời để làm dịu vết thương của chính mình”.
Thuỳ Dung
(Nguồn: Báo SGGP)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Biển của mỗi người – chân chất miệt vườn
Biển của mỗi người (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008) là dòng xuyên suốt hơn 30 tạp bút của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Dời bến, Tóc nào hãy còn xanh, Chọn lựa của nụ cười, Đi một vòng đời, Người dưng, Những bình minh khác, Nón và người… Xuyên suốt tập sách là những câu chuyện xoay quanh đời sống thực diễn ra hằng ngày, được nhà văn Đất Mũi miêu tả khá nhẹ nhàng tinh tế
Biển của mỗi người (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008) là dòng xuyên suốt hơn 30 tạp bút của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Dời bến, Tóc nào hãy còn xanh, Chọn lựa của nụ cười, Đi một vòng đời, Người dưng, Những bình minh khác, Nón và người… Xuyên suốt tập sách là những câu chuyện xoay quanh đời sống thực diễn ra hằng ngày, được nhà văn Đất Mũi miêu tả khá nhẹ nhàng tinh tế
Chị đi vào tâm trạng và cái nhìn của các nhân vật mang đậm tính cách miệt vườn chân chất.
Với bút pháp độc đáo, giọng văn mượt mà tình cảm của Nguyễn Ngọc Tư, mỗi trang viết đều thấm đẫm tình người. Thế giới nghệ thuật của chị là những vùng quê bình dị với những con người lam lũ; những mảnh đời nhỏ bé mong manh; những tâm hồn tinh khiết ẩn dưới bề ngoài mộc mạc, xác xơ, cam chịu. Người đọc bắt gặp cái tình nhẹ nhàng, sâu lắng “đậm chất miền quê” qua các nhân vật – những con người cô đơn. Họ tự tìm đến với nhau trong sự đồng điệu hòa hợp, tìm đến với những “lối ra” cho chính mình: người đi núi, người tìm biển, người khóa trái ngoài…
“Thương hiệu” Nguyễn Ngọc Tư được bạn đọc biết đến với bề dày thành tích của chị: Giải I cuộc vận động và sáng tác Văn học tuổi 20 năm 2000; giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006; giải thưởng Văn học ASEAN năm 2008… Hơn 12 năm gắn bó với nghề viết, gia tài văn chương của chị đã lên đến hơn 200 truyện ngắn, tản văn, bút ký và đã có 10 đầu sách xuất bản. Tạp bút Nguyễn Ngọc Tư như mang những nét chấm phá riêng. Những câu chuyện rất đời, rất người với cái nhìn có chút tình sông nước, cảnh và người luôn hòa mình, là lạ mà rất đỗi thân thương!
Võ Thị Ánh
(Nguồn: Báo Người Lao Động)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Biển của mỗi người
Vài năm gần đây, tản văn Nguyễn Ngọc Tư trở thành món đặc sản quen thuộc đối với đông đảo bạn đọc. Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng là nơi khá nhiệt tình xúc tiến để xuất bản, giới thiệu những tập tản văn Nguyễn Ngọc Tư.
Vài năm gần đây, tản văn Nguyễn Ngọc Tư trở thành món đặc sản quen thuộc đối với đông đảo bạn đọc. Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng là nơi khá nhiệt tình xúc tiến để xuất bản, giới thiệu những tập tản văn Nguyễn Ngọc Tư. Cơ quan này cũng vừa liên kết với NXB Văn hoá Sài Gòn in tập tạp bút mới nhất Biển của mỗi người gồm 30 tản văn mà nhà văn này viết, đăng thời gian qua trên các báo: Tuổi Trẻ, Phụ nữ Chủ nhật, Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Sài Gòn Tiếp Thị… Bên cạnh những cảm xúc, góc nhìn trước các vấn đề đời sống, những rung cảm trước số phận những con người, tập sách này có nhiều bài viết nói về sự cô đơn, ý thức cần thiết về nỗi cô đơn, sự trăn trở, giày vò và cảm nhận những chuyển biến trong quan niệm công việc của một nhà văn đang nỗ lực đổi thay.
N.V.N
(Nguồn: Báo SGTT)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn