Giới thiệu sách Bên Kia Ranh Giới
Trên những chuyến xe bất tận, những cung đường lạ quen, tôi chợt nhận ra ranh giới từ lúc nào đã là thứ hấp dẫn, thu hút kỳ lạ với mình. Tôi vừa ghét, lại vừa thích nó. Tôi ghét xếp ô ngăn thiện – ác, tốt – xấu rạch ròi. Nó xâu xé người ta ra khỏi những mảng tối phức tạp của nội tâm, dồn ép người ta về hai đối cực lạnh lùng của định kiến. Nó đẩy người ta ra khỏi suy xét đa chiều thận trọng. Nó khiến ai đó được tung hô vẻ vang và ai đó phải khổ sở tủi nhục khi là kẻ bị ra rìa. Và nó khiến người ta chỉ hài lòng với những câu trả lời dễ dàng được dọn sẵn, chứ không phải đau đáu với những dấu hỏi khôn nguôi.
Tôi say mê với những điều hiếm hoi chỉ có ở chốn giao hòa. Đó là khi tôi nín thở ngắm hai mảng nước biển màu xanh và màu cà phê sữa gặp nhau nhưng không trộn lẫn, tạo nên một đường phân ranh kỳ dị ở cảng Penang, Malaysia. Đấy là khi tôi ngỡ ngàng ở ngôi chợ Lào, người ta vẫn nói tiếng Thái, dùng tiền baht Thái, trong khi bên kia bờ sông Mekong là ngôi làng thuộc địa phận Thái vẫn giữ tập tục của Lào ngày xưa. Là khi tôi đứng ở đền Preah Vihear của Cambodia, nhìn sang ngọn núi đối diện có các anh lính biên phòng Thái và khách du lịch Thái, lòng tự hỏi họ mang suy nghĩ gì bên ấy về chủ quyền đối với ngôi đền. Họ có thấy những vết đạn lỗ chỗ và những tảng đá đổ sập vì pháo kích giữa hai bên nhân danh tinh thần dân tộc hay không? Đó cũng là khi tôi ngồi ở một vùng núi Cambodia, nghe chuyện gia đình anh xe ôm người Khmer trốn thoát sang Việt Nam trong thời kỳ Khmer Đỏ 1977 để anh sống được đến giờ. Không vụn vỡ chia cắt như con người, những vùng đất ngập nước lại giúp tôi học cách mà đất và nước hòa quyện, nhẫn nại bảo vệ nhau để giữ cân bằng, bảo vệ cho vạn vật, trong đó có loài người nhỏ nhoi ngông cuồng.
Biên giới là nơi cái đơn nhất gặp cái đa dạng, cái tôi gặp cái ta. Là nơi người ta chung sống hay gây chiến với nhau. Là nơi biết bao số phận tha hương bị hắt hủi hay những đại gia rửa tiền trong bài bạc hoan ca. Ranh giới cũng là nơi người ta biết đâu là cái an toàn quen thuộc trong tâm tưởng, và đâu là tâm thế chấp nhận bước tới bên kia, đối mặt với đổ vỡ niềm tin, thương tổn, để lắng nghe, đón nhận cái khác, như làn nước sóng sánh vào ra làm sạch giỏ than. Có lẽ những điều ấy đã thầm lặng lớn lên trong tôi mà tôi không hề hay biết. Đến khi lý trí bất chợt trống rỗng khi đặt tên sách, cái tiềm thức ấy lên tiếng từ thẳm sâu: “Bên kia ranh giới”.
Vậy đấy, tôi đi để có những trải nghiệm mới ngoài lĩnh vực đã quen, thử thách khả năng sinh tồn, thấy cái hay cái dở của mình của người, để rèn tâm và trí trước nhiều thứ phức tạp diễn ra hàng ngày. Cốt cũng chỉ để thay đổi chính mình.
Mời bạn đón đọc.