Ra mắt bộ sách Bác Hồ sống mãi
TT – Sáng 25-8, NXB Kim Đồng đã họp báo ra mắt bộ truyện tranh Bác Hồ sống mãi dựa trên những câu chuyện có thật về Bác Hồ đã được đăng tải trên sách, báo trong những năm qua. Đây là lần đầu tiên một bộ truyện về Bác Hồ được thể hiện không chỉ qua lời văn mà còn bằng những hình vẽ ấn tượng.
Bộ truyện tranh gồm năm tác phẩm (trọn bộ 20 cuốn) mang tên: Cháu muốn xem nhà Bác, Thăm làng cá Cát Bà (trích trong tập sách Bác Hồ kính yêu, NXB Kim Đồng năm 1980), Bác Hồ đến thăm trại trẻ mồ côi Kim Đồng (tác giả Sơn Tùng, rút trong tập 117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, NXB Chính Trị Quốc Gia, 2007), Mệnh lệnh của Bác Hồ (Trần Phong ghi theo lời kể của ông Nguyễn Ngọc Sơn, bài đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 10-10-2007) và Mái ấm Nà Lọm (trong sách Mênh mông tình thương Hồ Chí Minh của tác giả Tạ Hữu Yên, NXB Thanh Niên 2002).
Bởi thương nhớ vẫn còn nên rất nhiều hoài niệm. Bằng cách biểu đạt nỗi nhớ mà mọi người vẫn thường làm: kể về kỷ niệm, nhưng hơn thế nữa, với sự kỹ lưỡng chi tiết của một nhà báo kỳ cựu, tác giả Phan Quang đã đưa người đọc có dịp hiểu thêm về rất nhiều những nhân vật mà tác giả từng có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu. Đó là những lãnh tụ như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng… hoặc là những đồng nghiệp như Trần Bạch Đằng, Trần Công Mân, Lưu Quý Kỳ…; hoặc là những văn nghệ sĩ như: Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Chế Lan Viên…
48 nhân vật đã xuất hiện khá đầy đặn, chi tiết trong hai tập sách, mà như lời tác giả chia sẻ ở bìa gấp của sách: Cuốn sách này thắp một nén hương/ Dâng những ai khuất bóng/ Một đóa hoa/ Gửi những người quý mến/ Tôi được gặp trên đời… Đọc về 48 nhân vật ấy cũng là để hiểu thêm về những ngày đã qua…
Các bài báo của các nhà báo nước ngoài và các chuyên gia kinh tế thế giới viết về Trung Quốc vừa được tập hợp, dịch và xuất bản qua nỗ lực của NXB Tri Thức: Trung Quốc sau khủng hoảng.
Sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc trở thành điểm chú ý của quốc tế và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đề tài này liên tục được phản ánh trên các báo của nhiều quốc gia, nhằm mục đích đưa ra các góc nhìn kỹ hơn đối với Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Không chỉ đề cập các góc độ kinh tế, những chuyên gia hàng đầu phương Tây còn phân tích mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước, như chủ trương "ngoại giao năm điểm" của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, những phân tích về mối đe dọa của Trung Quốc tại khu vực, quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc…
Các chuyên gia cũng chú trọng nghiên cứu khái niệm "ngoại giao hài hòa" mà Trung Quốc đang chủ trương, tuy nhiên như dịch giả, nhà biên soạn Nguyễn Văn Nhã nhận định, "chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc đối với các nước lân bang vẫn chưa có dấu hiệu gì là bảo đảm "hài hòa", và bầu không khí nghi kỵ vẫn chưa hoàn toàn lắng xuống".
L.ĐIỀN
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn