Giới thiệu sách Ba Người Trong Hẻm Đuôi Voi
Ba Người Trong Hẻm Đuôi Voi:
“Hẻm Đuôi Voi ngoằn ngoèo, ghềnh, sâu hun hút, mùa mưa lầy lội, mùa nắng hâm hấp như lò rèn. Cuối con hẻm, ở góc khuất, có ba con người cư ngụ. Thường tụ tập sau mười giờ. Người lớn tuổi nhất, gần bốn mươi, gầy, cao, da đen sạm, gọi là Tư Bắc Kỳ. Hai thằng bé, bằng tuổi nhau, sinh trước giải phóng một năm. Giáp dần, tuổi Tây mười bốn, tuổi ta mười lăm. Một thằng tên Hải, Nguyễn Khoa Hải. Một thằng tên Đớ, không nhớ họ mình là gì. Dân bụi đời gọi Đớ chôm.
Mỗi người kiếm ăn một cách, dựa dẫm, đùm bọc, thương yêu nhau. Đã ăn nằm hiu quạnh, dưới vòm mái tôn thủng lỗ chỗ.
Hôm nay thằng Hải bị bệnh đột ngột từ chiều, mò về hẻm sớm hơn mọi ngày. Đầu nóng như lửa, nằm co ro, úp mặt vào tường, sốt ruột chờ anh Tư với thằng Đớ. Khi nghe tiếng chân thằng Đớ từ đầu hẻm bước vào, thằng Hải khe khẽ rên, là tiếng rên báo hiệu nó đang bệnh. Hải thều thào hỏi mấy giờ. Thằng Đớ áng chừng hơn mười giờ vì không còn nghe tiếng tivi ở mấy nhà trong hẻm vọng ra nữa. Thằng Đớ đi tới đi lui, ngong ngóng anh Tư. Mọi lần anh Tư đâu có về trễ thế này. Nó bảo khỏi chờ anh Tư, mình nó đưa thằng Hải đi nhà thương cũng được. Thằng Hải lắc đầu không chịu. Nó nghĩ thằng Đớ là đứa ngu, không có mảnh giấy tùy thân dính túi mà dám vô viện cấp cứu. Bữa trước thằng Hải nghe bà con xầm xì cái vụ anh Lê Hoàng ở nhà hát Mùa Xuân, tan diễn, xông vào cứu kẻ lâm nạn, bị cướp đâm ở trước rạp Hưng Đạo, chở vô bệnh viện cấp cứu, mua băng, bông, vì bệnh viện không sẵn thứ này. Lại bảo cần phải tiếp máu may ra mới cứu sống được nạn nhân, nhưng phải nộp tiền ngay. Những người đưa anh vào bệnh viện, diễn viên trong đoàn vét túi, không đủ tiền, xúm vào năn nỉ thầy thuốc cứ tiếp máu, nhà hát sẽ trả sau. Những “lương y như từ mẫu” ngoảnh mặt, phải tiền trao cháo múc như ở chợ trời vậy vì đó là quy định của bệnh viện, ngoài ý muốn của họ. Trông họ cũng thật tội nghiệp. Biết là có van lạy thêm cũng vô ích, một người phóng xe về nhà lấy tiền. Nộp đủ tiền, được tiếp máu, rủi thay, mọi việc quá muộn, vết thương nặng, hơn tiếng đồng hồ sau, anh Lê Hoàng tắt thở. Anh ấy là nghệ sĩ, họ còn đối xử tệ vậy, huống chi nó, một đứa bụi đời…”
– “Ba người trong hẻm Đuôi Voi đầy ắp vốn sống, chân thật và không hề tránh né trong từng chữ viết, dám đi đến cùng mọi cảnh ngộ, mọi thân phận…
Giữa những bi hài kịch khiến người đọc cười ra nước mắt là niềm tin ở tình người và lương tâm con người…” – Nhà văn Trần Thùy Mai.
– “Xuân Đài không nương nhẹ tay hay ve vuốt mà đụng một cách chân thành nhưng thẳng thừng tới những khúc mắc, bất cập của thời hậu chiến, những số phận kém may mắn, bất hạnh…
Nhưng không phải chỉ có chua chát và đau khổ. Xuân Đài đã hơn một lần đưa ta ra khỏi những trang thống văn để biết nên những dòng lạc văn, làm ta tin ở sự tốt đẹp không bao giờ cạn trong cõi nhân thế, dù ở thời đại nào.” – Nhà văn Nguyễn Quang Thân.
Mục lục:
Cái tát
Hai người lính và… “trận địa” mới
Ba người trong hẻm Đuôi Voi
Im lặng nhìn theo…
Lũ quét…
Mẹ kể
Nhà sử học hạng bét
Thân phận
Về với chị
Trang mới
Những phận người trong hẻm Đuôi Voi
Xuân Đài, người kể chuyện những mảnh đời buồn hậu chiến.
Mời bạn đón đọc.