"Bi thảm", đó là từ ngắn gọn nhất tôi có thể chọn để miêu tả về quyển tiểu thuyết Ánh trăng không hiểu lòng tôi của Tân Di Ổ. Bi kịch đan xen bi kịch, nước mắt hoà vào nước mắt.
"Trong trái tim mỗi người đều có một dòng sông nghẽn lại ở đó. Nó phân trái tim chúng ta thành hai bờ: bờ trái mềm yếu, bờ phải lạnh lùng; bờ trái cảm tính, bờ phải lý trí. Bờ trái chứa đựng những dục vọng, ước mơ, đấu tranh và tất cả những hỷ – nộ – ái – ố của chúng ta. Bờ phải có những vết tích nóng bỏng của đủ loại quy tắc in vào tim chúng ta. Bờ trái là mộng, còn bờ phải là cuộc sống". Bờ trái hay bờ phải? Đó là câu hỏi luôn xuyên suốt hai tập sách và mọi bi kịch diễn ra cũng xoay quanh câu hỏi này.
Tôi thương Hướng Viễn – một cô gái sáng suốt mà không lươn lẹo, yêu tiền mà không gian xảo. Dù ai cũng gọi cô là máu lạnh, dù trái tim cô luôn có phần nhiều ở "bờ bên phải" thì trong lòng cô vẫn tồn tại ánh trăng miền sơn cước của mười mấy năm trước cùng câu nói: "Chúng ta sẽ mãi mãi không bao giờ xa nhau". Nhưng dường như những gì cô thật sự mong mỏi cũng mong manh, hư ảo như ánh trăng nên cô không thể chạm tay tới. "Những thứ ta vốn khổ sở kiếm tìm, khi không nhìn thấy thì cũng đành chịu nhưng nhiều lúc vô tình phát hiện ra mà lại phải bất lực nhìn nó rơi tuột qua kẽ tay". Và vì thế, tuy cô giỏi giang, có được nhiều thứ, kể cả việc kết hôn với người cô muốn nhưng đã bao giờ cô hạnh phúc?
Tôi thương Diệp Khiên Trạch – một người đàn ông với trái tim nghiêng ngả giữa "bờ phải và bờ trái". Giá mà anh cảm tính hoàn toàn, giá mà anh thực dụng thật sự… Nhưng anh lại luôn muốn vẹn toàn, cho nên chưa bao giờ anh rõ ràng, chưa bao giờ đủ sức mạnh để yêu ghét như lòng anh muốn. Và rồi chính sự không rõ ràng của anh đã mang lại kết cục bi thảm cho nhiều người, trong đó có cả anh. Chắc chắn anh không hạnh phúc.
Tôi thương Chương Việt – một người đàn bà có địa vị, nhan sắc, tiền bạc, có trái tim luôn ở bên "bờ trái" và có một người chồng luôn chu đáo với cô từng ly từng tý nhưng lại mang trong tim hình bóng người đàn bà khác. Dù cần đến những cơn say triền miên để quên đi thực tại thì cô vẫn yêu không hối tiếc, "bất chấp tất cả bơi về phía anh để rồi chết đuối". Có vẻ như tình yêu quá lớn của cô đủ để thay đổi lòng người, cũng có thể người đàn bà trong lòng chồng cô đã chết, chết thật sự nên hồi ức cũng héo tàn theo. Vì lý do gì thì cũng mong cô rồi sẽ có được hạnh phúc.
Nhưng tôi không thấy tội nghiệp Diệp Quân vì dù có phải đeo đuổi mối tình đơn phương suốt một thời gian dài nhưng anh luôn sống như anh muốn, yêu ghét như lòng anh cảm thấy. Cho dù anh có phạm tội để bảo vệ người mình yêu hay hy sinh thân mình cứu đứa nhỏ mà anh mang nợ khỏi đám cháy thì đều là do anh tự lựa chọn và kết quả thế nào, anh cũng không hối tiếc. Không để cho Diệp Quân chết là ánh sáng le lói duy nhất trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết u ám này.
Nghe nói, đã rất nhiều người khóc khi đọc Ánh trăng không hiểu lòng tôi. Tôi lại không như vậy dù trên thực tế, tôi là một người rất mau nước mắt. Có cảm giác nước mắt đặc quánh lại khi có quá nhiều cái chết trong toàn bộ câu chuyện, kể cả đứa nhỏ mới vài tháng tuổi – Dư Sinh. Sao lại phải đẩy sự đau thương lên đến tột cùng như vậy? Dù biết tiểu thuyết là hư cấu, dù biết trong cuộc đời cũng có thể có những bi kịch như vậy nhưng tôi luôn mong gấp một cuốn sách lại mà không phải thấy lòng mình nặng trĩu.
"Hướng Viễn cũng phải thừa nhận rằng trái tim mình đa phần thuộc về phía bờ phải". Còn bạn? Bạn có biết trái tim mình đa phần thuộc về bờ bên nào không?
Ngọc Thu.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn