Nếu hồi ký thường phơi bày những điều đã qua và khiến người đọc nghĩ về quá khứ thì "Alabama song" lại khiến người ta phân vân về những điều chưa đến, những việc còn bí ẩn bởi một nửa cuốn hồi ký này là hư cấu.
Cuốn sách là sự hóa thân kỳ diệu của Gilles Leroy trở thành Zelda Sayre Fitzgerald – vợ nhà văn nổi tiếng F. Scott Fitzgerald, tác giả của Đại gia Gatsby. Chính nhờ mượn giọng của Zelda mà câu chuyện có được điểm tựa vững chắc để Leroy dựng nên toàn cảnh cuộc sống của một nhà văn "từ phía sau lưng" của anh ta.
Chỉ trong 20 phút ngắn ngủi trước nửa đêm, toàn bộ cuộc đời của người thiếu phụ Zelda được tái hiện bởi những suy nghĩ đứt đoạn. Ảnh hưởng của chứng tâm thần phân liệt và hệ quả tất yếu của mạch suy tưởng khiến những kỷ niệm của nhân vật ào về một cách lộn xộn và gây ra sự xáo trộn các sự kiện trong cốt truyện. Nhưng nếu nhìn từ một phía khác, có lẽ chỉ những sự kiện vụt xuất hiện khi người ta đã ở bên kia con dốc cuộc đời mới chính là cuộc đời của họ.
Những cú chuyển cảnh liên tiếp và những cú ngắt thời gian đột ngột tạo ra sự gấp gáp trong giọng kể. Khi chúng ta còn quay cuồng trong những buổi khiêu vũ rộn rã ở Alabama thì người kể lập tức đẩy chúng ta vào không gian mê đắm của cuộc tình vụng trộm giữa Zelda và chàng phi công trên bãi biển. Những sự kiện dồn dập đó cũng góp phần tái hiện không khí xô bồ và lối sống gấp của thế hệ thanh niên ở Mỹ trong "Thời đại Jazz" (theo cách gọi của Fitzgerald đặt cho thời kỳ 1918-1929). Đó là thời kỳ mà thế hệ thanh niên luôn mang những ám ảnh thường trực về sự thành đạt, tiền bạc, cuộc sống hào nhoáng mà thiếu đi tình cảm con người. Nếu Đại gia Gatsby giúp người ta thấy được một bộ mặt xù xì đằng sau "Giấc mơ Mỹ" thì Alabama song còn bày ra trước mắt ta sự tàn phá ghê gớm mà những thành đạt chớp nhoáng để tại trong tâm hồn những người trẻ tuổi đầy ảo vọng.
Sử dụng ngôi kể "tôi" quen thuộc song Leroy đã tạo ra những biến ảo khôn lường. Ở phần đầu, người kể chuyện tôi có thể được hiểu chính là Zelda. Bởi vậy phần đầu câu chuyện có thể coi là một cuốn hồi ký của người thiếu nữ đẹp nhất Alabama về cuộc tình cả đời của mình với nhà văn lừng danh Francis Scott Key Fitzgerald. Họ là bộ đôi nổi tiếng làm chao đảo giới giải trí ở Hollywood những năm 20 của thế kỷ trước. Phần sau câu chuyện, người ta bắt gặp một cái tôi khác. Đó là một người cần mẫn sưu tầm những kỷ vật còn lại của Zelda và Fitz. Đó cũng là một người đàn bà bị thôi thúc bởi việc viết lại câu chuyện tình vĩ đại của Zelda trong sự cấm đoán của người yêu. Vượt trên tất cả, người đọc còn phải làm quen với một cái tôi khác nữa. Cái tôi của tác giả Leroy, người đã hòa trộn những sự kiện có thật và những yếu tố hư cấu để làm nên cuộc đời đau đớn và chua chát của Zelda.
Tác phẩm không hướng đến việc phơi bày cuộc sống của những người nổi tiếng để thu hút công luận như những "tờ báo lá cải" vẫn làm. Cuốn sách hướng đến sự cảm thông đối với số phận một người phụ nữ – một cái cây con đầy sức sống bị cớm nắng trong bóng râm vĩ đại của người chồng. Khi không còn cách nào để khẳng định sự tồn tại của mình, bà viết. Viết trở trành điều cốt yếu trong sự sống của Zelda.
Được giới thiệu như một cô gái đẹp, dòng dõi nhưng luôn tỏ ra hư hỏng để thoát khỏi vòng kiểm soát của gia đình, Zelda gây ấn tượng với cá tính mạnh mẽ và rất nhiều trò ngông cuồng. Nhà văn sử dụng hình ảnh "con kỳ giông" hay "bầu trời Alabama thoắt nắng, thoắt mưa, thoắt giông bão" để thể hiện tính cách không ổn định, sự phá phách và lối sống nhiệt thành của Zelda. Với cô, mọi cảm xúc phải được đẩy lên đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, hình ảnh ẩn dụ phù hợp với cô hơn cả có lẽ là: "bên trong đôi giày nhẹ bằng sa tanh là đôi bàn chân rớm máu và nát bấy". Tuổi trẻ của Zelda cuồng nhiệt trong những đêm vũ hội bất tận.
Cả hai tình yêu lớn của Zelda: ballet và Fizt đều gây ra cho bà những tổn thương ghê gớm. Với tình yêu ballet, Zelda đã tiêu tốn nhiều tệp đô la cho vũ sư để cô có thể bắt đầu sự nghiệp khi đã 27 tuổi. Nhưng chính ballet cũng khiến đôi chân cô bị tổn thương và cuối cùng cô phải vĩnh viễn từ bỏ nếu không muốn mất đi một phần cơ thể mình. Tình yêu với Fizt còn gây ra những vết thương ghê gớm hơn trong tâm hồn của Zelda. Sự cấm đoán, hắt hủi của Fizt với Zelda và cả hành động hèn hạ của ông khi cố sao chép những tác phẩm của Zelda khiến cô suy sụp hoàn toàn. Điều đó một lần nữa làm sáng tỏ chân lý: không gì tuyệt vời bằng điều mà những người yêu nhau làm cho nhau và cũng không gì khủng khiếp bằng điều đó. Thế nhưng, khi Fizt qua đời và ngay cả những phút cuối cùng trong cuộc đời Zelda, bà vẫn không thể lý giải được những tình cảm của mình dành cho người chồng vĩ đại. Ở đó, pha lẫn sự hằn thù, ghê tởm vẫn có tình yêu cuồng dại và si mê.
Bởi luôn đặt mình trong những trạng thái cảm xúc cực điểm, sức sáng tạo của Zelda cũng trở nên mãnh liệt và không gì có thể cản nổi. Văn chương đã làm công việc của nó – cứu rỗi tâm hồn một con người. Cái chết bi thảm của Zelda có thể là điểm kết thúc cuộc đời đau khổ và bất hạnh của một người đàn bà, nhưng cũng có thể là điểm bắt đầu cho mầm sống từ những tác phẩm của bà vươn lên thoát khỏi cái bóng của Fizt.
Tác phẩm thể hiện sự cảm thông sâu sắc của tác giả với số phận trắc trở và bi thảm của người đàn bà đứng sau một nhà văn vĩ đại. Bằng giọng văn tinh tế và đầy cảm xúc, cuốn sách đã đem về cho Gilles Leroy giải Goncourt năm 2007.
Thảo Phương
(Nguồn: Báo Vnexpress)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn