Come – Sorrow – come, I spread a seat for you.
Đến đi – Nỗi buồn ơi – hãy đến, ta trải chỗ mời ngươi.
Đó là tâm hồn Ấn – dịu dàng mà bạo liệt trong câu thơ Tagore.
Tôi đến New Delhi vào chớm thu. Ấn tượng đầu tiên về những cơn gió khô khát như vừa tràn qua sa mạc, nắng trắng hoa vàng, đá đỏ tường thành cổ tích, dải khăn lụa vương như cầu vồng vắt ngang bầu ngực con gái Ấn, và những rèm mi cong rợp bóng đêm phương Nam, đền đài huyền bí…
Có một thứ mà phải hơn một năm sau tôi mới nhận biết được rõ ràng, đó là cái gật đầu rất đặc biệt của người Ấn. Gật mà như lắc vì họ lúc lắc đầu theo mặt phẳng khuôn mặt, không xoay khuôn mặt sang phải sang trái như mình. Đành phải hỏi OK or not OK (đồng ý hay là không đồng ý?) để rồi vẫn nửa tin nửa ngờ nhìn họ vừa lắc vừa cười mủm mỉm mà nói OK. Đã từng được năm người Ấn chỉ đường cho theo năm hướng khác nhau khiến mình lúng túng hết một buổi, dù cũng thấy vui khi cả năm người nghe mình cảm ơn rối rít đều lúc lắc đầu cười, mắt ngời sáng. Và chuyện dịch nghĩa lời hẹn 10 phút nghĩa là một tiếng nữa, một tiếng nữa nghĩa là ngày mai và ngày mai là không bao giờ… do chính thầy giáo và bạn bè người Ấn của tôi giải thích cho nghe, những lúc tôi giận dỗi vì bị lỡ hẹn. Lúc ấy, chỉ thấy người Ấn dễ thương với điệu lúc lắc đầu vẻ hài lòng, chấp nhận, tràn đầy hạnh phúc. Bạn sẽ thấy yêu hơn cái cử chỉ ấy khi xem người Ấn múa: cả đầu, mắt, khuôn mặt, cổ, vai, tay, chân, bụng, thân mình đều “nói” rất nhiều, trong đó có ngôn ngữ cách điệu của cái gật đầu rất biểu cảm này.
Cuốn sách có rất nhiều lát cắt văn hóa thú vị, giống như một ống kính đầy cá tính của một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa có thể lia tới và chớp lấy những khuôn hình tuyệt đẹp, độc đáo và bất ngờ. Như cảnh cô gái đi trên đường, “cái dáng đi khoan thai, có phần hơi chậm rãi, đi mà như ngày rất dài, đời rất dài, cũng chính là dáng đi mấy nghìn năm của người Ấn Độ”. Như hình ảnh thần chết Yama “với người có công, thần hiện ra giống như Vishnu, mắt búp sen, miệng cười vui vẻ. Với kẻ xấu, tay chân thần dài ngoằng ngoẵng, tóc dựng ngược như cành cây, mắt sâu như giếng”. Hay như ấn tượng Tết Diwali “nhà cửa, phố phường lung linh ngàn vạn ngôi sao sa… soi lối cho nữ thần tài lộc Laksmi vào nhà”. Và những thoáng thần tiên giữa đời thường: “Từ trên tầng ba nhìn sang rừng, thấy từng đàn công xòe đuôi múa gọi mưa”. Những khuôn hình đặc tả “chất Ấn” như thế sẽ đưa chân bạn hồn nhiên bước vào thế giới kỳ diệu của người Ấn. Từ những câu chuyện vui vui về đời sống thế tục như chuyện tay phải tay trái, chuyện món ăn quá nhiều hành, nhiều gia vị kích thích, “giở sách ra thì gặp Kama Sutra, đến đền chùa thì gặp linga của thần Shiva”, chuyện người Ấn tốt nhịn đến những câu chuyện nghiêm chỉnh về tôn giáo, triết lý, thơ ca.
Phong cách viết cởi mở, phóng khoáng, gợi nhiều hơn kết của Hồ Anh Thái đã tạo được độ co giãn này. Những nhận định khác nhau được nêu ra có vẻ tình cờ, tiện thì nhắc đến như sự phân tích các hình ảnh phồn thực ở đền Khajuraho. Dù là trong dòng chảy mơ mộng của cảm xúc về văn chương nghệ thuật, hay những lời bàn sắc sảo về chính trị theo dòng lịch sử, Hồ Anh Thái luôn cố gắng đưa ra những thông tin đa tầng và nhiều chiều. Thêm nữa, những thông tin đó còn rất phong phú vì được chia sẻ bởi một người nghiên cứu văn hóa Ấn, một nhà ngoại giao, một nhà văn, hẳn nhiên, nhưng có lẽ trên tất cả là một tâm hồn yêu Ấn Độ, yêu đến nỗi biết rằng “cả một đại dương văn hóa khiến cho ta càng bơi càng không thấy bờ”, nhưng vẫn tự nguyện nhảy xuống. Nhà nghiên cứu văn hóa tìm kiếm những giá trị văn hóa ở mọi ngóc ngách đời sống, nhà văn thổi hồn cho những bình luận về văn hóa, nhà ngoại giao tóm lược hình hài chính trường Ấn qua các thời kỳ, còn tình yêu Ấn Độ đem đến một cái nhìn nâng niu, trân trọng những cái đẹp đã đành, cũng gượng nhẹ với những mảnh sắc nhọn cứa lòng. Hồ Anh Thái muốn trình bày tư tưởng, sản phẩm văn hóa, biểu tượng ký hiệu, phong tục tập quán… theo quan niệm của đạo Hindu để người đọc có điều kiện so sánh ảnh hưởng của chúng đối với các tôn giáo khác, nền văn hóa khác, đất nước khác. Tất nhiên không dễ gì có thể nhìn thấy ảnh hưởng từ một phía, nhất là khi Phật giáo cũng ra đời từ cái nôi Bà la môn giáo như Hindu nhưng đã có một giai đoạn phát triển rực rỡ hơn nhiều trước đó. Cũng chính tác giả đây đó lại đưa ra nhận định đạo Hindu chịu ảnh hưởng như thế nào từ đạo Phật. Và Mật tông là một tông phái Phật giáo hay Hindu? Cả hai đều có thể tự nhận về mình. Đây là cuốn sách đọc để suy ngẫm thêm, tìm hiểu thêm và sẵn sàng tranh luận. Có những băn khoăn, tò mò mà tác giả gợi lên trong lòng người đọc. Như vấn đề đẳng cấp “một trong những điều bí ẩn và khó hiểu nhất ở Ấn Độ” là do giáo sĩ Bà la môn hay do người Aryan xâm lược khởi xướng?; những cảm nhận trái ngược về một tính cách nhẫn nhịn đi kèm với xung đột tôn giáo liên miên; một đất nước nhiều nhân tài sáng chói trên cái nền tinh thần chậm chạp an bài ở đa số người lao động. Có gì đó lạ lùng trong câu nhận xét: “Ta có thể thấy khoảng cách giữa con người rất xa”. Và có thể, bạn sẽ háo hức đi tìm câu trả lời cho một băn khoăn nào đó, hoặc sẽ muốn phản bác một ý kiến nào đó, hoặc hơn thế, bạn cũng muốn “nhảy xuống biển”!
Cuốn sách còn là một người bạn đường trên hành trình khám phá, thưởng ngoạn văn hóa của bạn. Người ấy cùng reo lên với bạn khi ngắm đền Khajuraho: “Có cảm tưởng đá cẩm thạch trong tay nghệ nhân thời xưa cũng dễ sai khiến như chất dẻo hay đất sét trong tay người thời nay”. Người ấy còn thầm thì bộc bạch: “Người ta dễ yêu một lý tưởng, nhưng không dễ đồng hành với người đi thực hiện lý tưởng đó”. Và người ấy có thể còn làm bạn bực mình vì cứ nói không biết mệt về ngôi chùa Việt, về nhà sư Việt đã đặt viên gạch đầu tiên cho cả “một Liên hiệp quốc Phật tự” ở Boddhgaya lẫn Lumbini. Nhưng người ấy cũng làm bạn xúc động và tin tưởng vì, tự đáy lòng, người ấy muốn bạn không lặp lại kỷ niệm vụng về của mình hai mươi năm trước, khi đã gạt phắt đi một bàn tay thiện chí đang chìa tới.
Tôi nghĩ rằng trong cuốn sách nhỏ này, Hồ Anh Thái đã xâu chuỗi được những nét đa dạng của văn hóa Ấn, đã gợi được một HÌNH TƯỢNG VĂN HÓA ẤN. Hình tượng đó có thể làm cho người đọc bối rối khi muốn truy nguyên một nét văn hóa nào đó, là của người Aryan hay của người Dravidian? Là của Phật giáo hay Hindu hay Bà la môn giáo? Hình tượng đó có thể như ngôi đền Taj Mahal biến đổi màu sắc theo ánh sáng nhưng vẫn là ngôi đền ấy. Hình tượng đó có thể đa nghĩa nhưng toàn vẹn ở khao khát vươn tới giải mã cái bí ẩn không cùng của nền văn hóa Ấn Độ.
Văn Thị Thu Hà
(Nguồn: Báo Văn Nghệ)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn