Giới thiệu sách Guitar Thực Hành – Tập 2 (Dùng Kèm Đĩa CD)
Guitar Thực Hành – Có Kèm Đĩa CD:
Đây là quyển sách thực hành dựa theo phần lý thuyết của bộ sách Tự học Guitar (tập 1 và 2).
Nội dung:
Phần 1: Kỹ thuật luyện tập tay trái
1. Bài tập chạy ngón tay trên các cung nhằm giúp người học có ngón đàn điêu luyện trong khi chơi ngẫu hứng khúc nhạc mở đầu (Introduction) và dạo khúc (Prelude) giữa cá câu nhạc.
2. Bài tập xác định hợp âm để có thể nhanh chóng đệm đàn cho người hát mà không được chuẩn bị trước. Điều này thường xảy ra khi bạn là một tay guitar đệm đàn cho một buổi tiệc có ca sĩ đăng ký tự do lên hát trên sân khấu. Lúc ấy người đàn chỉ được thông báo tựa đề bài hát và may mắn lắm là thêm cung nhạc và điệu thức. Ví dụ ca khúc Mưa Hồng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với cung Đô, điệu thức trưởng (C). Qua những bài tập trên, người học sẽ tự tin xác định hợp âm để đàn rất hợp với cung thức của ca khúc được yêu cầu.
Phần 2: Kỹ thuật luyện tập tay phải
1. Những bài tập đệm và khảy đàn (Stroke) bằng các ngón (cái:p, trỏ: i, giữa : m, áp út: a) phù hợp với nhịp của bài nhạc…
2. Những bài tập đệm tiết điệu của bài nhạc với điệu Slow, Rumba và Valse làm căn bản để chuyển đến các tiết điệu khác như:
– Slow dìu dặt và êm ái chuyển hóa thành: Blues chậm buồn, Slow Rock khoan thai và nhẹ nhàng, March rắn rỏi và hùng tráng, Fox Trot nhanh và linh hoạt, one Step linh hoạt và rắn rỏi, Two Step khoan thai nhưng rắn rỏi, Swing Fox nhún nhảy rất nhịp nhàng, Swing nhún nhảy và linh hoạt, Boogie Woogie sôi động và quyến rũ.
– Rumba chuyển hóa thành: Bolero, Cha cha cha.
– Valse du dương và tươi trẻ chuyển hóa thành: Valse Lente hay Boston với nét nhạc chậm rãi và buồn sầu, Serenade du dương và nhẹ nhàng.
3. Bảng tra hơn 40 tiết điệu thường dùng cho đàn guitar sẽ giúp người chơi có kho tư liệu phong phú.
Những bài tập trên nhằm giúp người học có một căn bản vững chắc bên cây đàn guitar. Trong lúc chơi đàn thực tế, đừng bao giờ bị ràng buộc bởi những nguyên tắc cứng ngắt mà phải thoát ra với nguồn cảm hứng tự có bên trong để nét nhạc linh hoạt và phù hợp với tâm tình buổi diễn và bối cảnh xung quanh. Nghĩa là, cùng một bài nhạc: lúc đệm, lúc khảy đàn; đoạn này dùng Fox Trot, đoạn khác chơi Boogie Woogie….
Mời bạn đón đọc.