Giới thiệu sách Kỹ Thuật Tính Toán Trong Trắc Địa Bản Đồ
Phương pháp tính ngày càng được sử dụng nhiều trong khoa học kỹ thuật, nhất là trong thời kỳ máy tính ngày càng được sử dụng rộng rãi. Nhưng để đưa các phương pháp toán vào từng chuyên ngành cần phải đưa ra được và giải quyết được những bài toán trong từng ứng dụng cụ thể.
Trong ngành trắc địa, bản đồ, xử lý toán học những số liệu đo đạc và tự động hoá thành lập bản đồ là công việc quan trọng bậc nhất. Để thực hiện được nhiệm vụ sau này, cần phải đưa ra được các bài toán, giải quyết các bài toán đó. Cụ thể hơn, cần phải thuật toán hoá được các lời giải cụ thể. Có làm được như vậy bài toán mới giải quyết được trọn vẹn và mới giúp tiến hành được quá trình tự động hoá, từ đó có thể giúp chúng ta thành lập các phần mềm ứng dụng cụ thể.
Ở nước ta khi nhập các thiết bị trắc địa, bản đồ thì nhập các phần mềm kèm theo. Vì vậy có lúc không hiểu được bản chất nên bị hạn chế trong sử dụng và khai thác.
Trong quá trình đào tạo ngành trắc địa, bản đồ kể cả ở các trường đại học, tài liệu phục vụ học tập và giảng dạy về tự động hoá xử lý tính toán, thành lập phần mềm tự động hoá thành lập bản đồ còn thiếu. Vì vậy những vấn đề trong cuốn sách nhỏ này phần nào đáp ứng được yêu cầu trên.
Sách được biên soạn thành năm phần:
– Phần một trình bày một số công cụ toán học cơ bản, chủ yếu là phương pháp toán nội suy dựa trên ý tưởng của phương pháp phần tử hữu hạn.
– Phần hai trình bày phương pháp xử lý số liệu trắc địa bình sai. Những phương pháp này được thuật toán hoá giúp chúng ta thành lập các phần mềm xử lý và bình sai những bài toán trong trắc địa
– Phần ba trình bài về mô hình số địa hình thành ở dạng chung nhất phục vụ tự động hoá thiết kế quy hoạch đứng. Tuy nhiên, mô hình số địa hình có thể xây dựng dựa trên phần tử tam giác. Một trong các phương pháp xây dựng các thành phần tam giác có đề cập ở phần bốn.
– Phần bốn trình bày một số thuật toán giúp tự động hoá thành lập bản đồ. Đó là những thuật toán giúp chúng ta hiểu được phương pháp toán của quá trình tự động hoá bản đồ và giúp chúng ta thành lập các phần mềm ứng dụng tương ứng.
– Cuối cùng là phần phụ lục đưa ra một số phương pháp toán cô đọng, với ví dụ cụ thể nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người sử dụng trong ứng dụng khi cần thiết.
Cuốn sách này có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo học tập cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học có giảng dạy, học tập môn trắc địa, bản đồ. Nói cũng là tài liệu có ích cho các nhà nghiên cứu, những người làm toán ứng dụng, sản xuất phần mềm trong trắc địa, bản đồ nói riêng và toán ứng dụng nói chung.
Mời bạn đón đọc.