Giới thiệu sách Đố tục giảng thanh và giai thoại chữ nghĩa – Tái bản 2003
Dân tộc Việt Nam vốn rất hiếu học, tôn sư trọng đạo, kinh ghét sự ngu dốt, thói rởm, và luôn quan niệm chữ cũng là người, nhìn chữ có thể biết được tính cách, trình độ hiểu biết… Chính vì thế, ở nước ta có rất nhiều giai thoại chữ nghĩa, lối chơi chữ, câu đối và hát đố, đố tục – thanh.
Có thể xem Đố tục giảng thanh và giai thoại chữ nghĩa thuộc văn học dân gian, bởi các câu hát đối đáp, các câu đố, lối chơi chữ, giai thoại về chữ nghĩa nhuốm màu sắc dân dã. Nhưng thực tế, phần lớn những câu đối, các giai thoại… lại do các bậc trí thức lớn, các quan chức, các nhà Nho có tiếng làm ra.
Cái thú khi đọc các truyện, các câu đối, hát đối, câu đố… này là chúng ta như sống lại những ngày xưa, trong các làng quê xưa và nhận ra được thái độ của các bậc túc nho, của dân gian về các mặt ứng xử, đạo đức, tình cảm, triết lý… thể hiện qua chữ nghĩa.
Qua đó ta cũng được cung cấp nhiều tri thức về tập quán và tư tưởng dân gian, một thú chơi trí tuệ tao nhã, một vũ khí sắc bén để đả phá, chế giễu thói hư tật xấu ở đời. Bạn hãy đọc Đố tục giảng thanh và giai thoại chữ nghĩa để hiểu được cái hay, cái thâm thuý của cha ông.