Giới thiệu sách Lan Khai – Tác phẩm nghiên cứu lý luận và phê bình văn học
Giai đoạn 1930-1945 là chặng đường phát triển rực rỡ nhất của văn nghệ dân tộc đánh dấu bằng thắng lợi của cuộc cách mạng trong nghệ thuật. Với sự lớn mạnh của dòng văn học cách mạng, sự phong phú của dòng văn học hiện thực phê phán, sự đa dạng của dòng văn học lãng mạn, tất cả cùng hòa trong dòng chảy của văn mạch dân tộc.
Trên văn đàn có những tiểu thuyết gia chuyên nghiệp, có những nhà văn nổi tiếng về truyện ngắn, có những đại biểu xuất sắc của nền thi ca mới, có cả những cây bút chuyên về lĩnh vực nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học, tạo nên gương mặt nền văn học dân tộc đa dạng hơn bao giờ hết…
Trong giai đoạn đó, Lan Khai là một nhà văn có tên tuổi, từng tham gia vào hầu hết các lĩnh vực hoạt động văn học, từ sáng tác cho đến nghiên cứu, lý luận phê bình, sưu tầm và dịch thuật…
Bút danh Lan Khai gắn với tiểu thuyết Lầm than (1938) nổi tiếng và tập Truyện đường rừng (1940) đặc sắc, từng tạo nên âm vang và hứng thú sâu đậm trong lòng người đọc. Chẳng thế mà đương thời nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan đánh giá Lan Khai là lão tướng trong làng tiểu thuyết đang gắng tìm đường mới.
Chỉ riêng những thành tựu về nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học cũng chứng tỏ Lan Khai là một tác gia xuất sắc trên lĩnh vực hoạt động này, bởi quan niệm văn nghệ của ông có nhiều điểm rất gần gũi với chúng ta hôm nay. Nhưng hơn nửa thế kỷ qua, việc nghiên cứu di sản đó chưa tương xứng với tầm vóc văn học Việt Nam ở thế kỷ XX… do đó cần phải có cái nhìn toàn diện về bức tranh toàn cảnh văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945, trong đó cây bút Lan Khai có thể xem là một phần gương mặt của nền văn học Việt Nam hiện đại từng vang bóng một thời trên văn đàn cả nước.
Cuốn sách được chia làm hai phần: phần thứ nhất – Lan Khai, nhà văn, nhà nghiên cứu lý luận và phê bình văn học; phần thứ hai – tuyển chọn tác phẩm nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học của Lan Khai.
Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về một phần di sản văn nghệ của Lan Khai góp phần đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và học tập hiện nay về giai đoạn văn học 1930-1945. Mặt khác, việc nghiên cứu các di sản văn nghệ của Lan Khai giúp chúng ta hiểu rõ thêm quan niệm và sáng tác của các nhà văn khác cùng thời với Lan Khai.