Giới thiệu sách Tuyển tập truyện ngắn hiện thực 1930 – 1945
Bước sang thế kỷ XX, với quá trình hiện đại hoá văn học, với vai trò đặc biệt quan trọng của chữ Quốc ngữ, các thể loại văn học – trong đó có truyện ngắn – gặp vận hội phát triển rực rỡ. Truyện ngắn hiện thực (cả về số lượng và chất lượng) đã đóng góp xứng đáng vào sự tôn vinh nền truyện ngắn dân tộc thời hiện đại.
Thành tựu truyện ngắn hiện thực được tạo nên bởi những nhà văn tài danh như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Bùi Hiển, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng. Tất nhiên để có một nền truyện ngắn thực sự phong phú, đa dạng còn phải kể đến sự đóng góp của một đội ngũ đông đảo các nhà văn tên tuổi như Vũ Bằng, Tam Kính, Kim Lân, Như Phong, Học Phi, Nguyễn Khắc Mẫn…
Mỗi nhà văn với mỗi phong cách viết truyện riêng đã làm nên sự đa dạng trong phong cách nghệ thuật. Cái riêng, cái độc đáo của họ không lẫn, không lặp lại với ai.
Cuốn sách này tập hợp những truyện ngắn đặc sắc của các nhà văn hiện thực nói trên. Nguyễn Công Hoan với Răng con chó nhà tư sản, Oẳn tà roằn, Tinh thần thể dục, Ngựa người và người ngựa… Nam Cao với Chí phèo, Dì Hảo, Trẻ con không được ăn thịt chó, Đời thừa, Một bữa no… Vũ Bằng với Một người bưng mặt khóc, Gặp nhau lại xa nhau, Ơn và oán, Ngày mai tôi chết… Bùi Hiển với Nắng mới, Nằm vạ, Thằng Xin, Kẻ hô hoán, Nỗi oan của bác đồ gàn… Tô Hoài với Nhà nghèo, Lụa, Vợ chồng trẻ con, Khách nợ, O chuột… Nguyên Hồng với Đây bóng tối, Những giọt sữa, Nhà bố Nấu, Giọt máu… Vũ Trọng Phụng với Bộ răng vàng, Một cái chết, Con người điêu trá…