Giới thiệu sách Từ Điển Chính Tả Tiếng Việt
Chính tả là chuẩn mực hóa ngôn ngữ về mặt văn tự. Đây là một thuật ngữ Hán Việt dịch ra là viết đúng. Muốn viết đúng người viết phải hiểu các quy ước của chính văn tự đang dùng nhưng cũng phải nắm được đặc điểm của các khu vực chức năng mà phương tiện đang hoạt động. Đối với tiếng Việt, điều này có nghĩa là phải có hiểu biết nhất định về đặc điểm chữ viết, đặc điểm âm thanh và đặc điểm phân tầng chức năng của tiếng Việt. Tiếng Việt là ngôn ngữ thống nhất. Chính tả tiếng Việt căn bản là một chính tả thống nhất. Tuy nhiên, do tiếng Việt có nhiều phương ngữ, thổ ngữ, nên bên cạnh tính thống nhất là chủ đạo, nó cũng có những nét dị biệt khá rõ ràng trong cách phát âm, cách sử dụng từ ngữ giữa các vùng miền khác nhau. Sự khác biệt về cách phát âm đã tạo ra ấn tượng mạnh mẽ về sự tồn tại trong thực tế ba vùng phương ngữ khác nhau: phương ngữ Bắc Bộ, phương ngữ Trung Bộ và phương ngữ Nam Bộ. Mỗi vùng phương ngữ có những đặc điểm phát âm tiếng Việt khác nhau đã tạo nên ba giọng nói khác nhau: giọng miền Bắc, giọng miền Trung và giọng miền Nam. Chẳng hạn, đặc điểm nổi bật của phương ngữ Bắc Bộ là sự phát âm không phân biệt các từ có phụ âm đầu là s và x (sương – xương), tr và ch (trồng – chồng), gi với d/r (gia đình – da thịt – ra đi), phát âm lẫn lộn các phụ âm l và n (lợn – nợn, nón – lón). Đặc điểm của phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ là không phân biệt thanh hỏi và thanh ngã, không phân biệt các âm tiết có âm cuối là n và ng (bàn – bàng), ch và t (kịch – kịt), t và c (mặt – mặc), nh và n (canh – căn), các từ có âm đầu là d và v (dề – về), các từ có vần ai và ay (tai – tay), v.v…
Sự khác biệt trong cách phát âm đặc trưng cho từng vùng phương ngữ so với phát âm chuẩn của tiếng Việt là một trong những nguyên nhân dẫn đến những cách viết sai chính tả. Có hai loại lỗi chính tả cơ bản: viết sai về nguyên tắc chính tả hiện hành và viết sai do phát âm không đúng chuẩn. Ngữ âm chuẩn (còn gọi là chính âm) là cách phát âm chuẩn mực của một ngôn ngữ. Đó là ngữ âm của thành phần ngôn ngữ tiêu biểu cho một quốc gia được sử dụng trong các giao tiếp chính thức trên các lĩnh vực chính trị, hành chính, khoa học, kinh tế, văn hóa, giáo dục,…được tất cả các địa phương và toàn thể xã hội tuân theo. Sự hoạt động của quy tắc chính tả và quy tắc chính âm được thực hiện trong các môi trường khác nhau và đã ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả cũng như tính hiện thực hoá của chúng. Nếu như quy tắc chính tả có thể dễ được xã hội đi tới thống nhất và thực hiện do chỗ viết là một công việc mang tính hoàn toàn có ý thức và có thể được kiểm soát tập trung qua các chiến lược in ấn, qua sách giáo khoa, qua báo chí, thì các quy tắc chính âm lại rất khó có một sự nhất trí như vậy. Vấn đề là ở chỗ sự hiện thực hoá phát âm luôn chịu tác động to lớn, một cách vô thức, từ các đặc điểm vùng và lớp xã hội. Cả nước có thể viết giống nhau nhưng khó có thể nói được như nhau. Trong tình hình hiện nay, vì vậy, chuẩn hoá về chữ viết không thể chờ vào thành quả của chuẩn hoá phát âm và tuân theo cái nguyên tắc: “chỉ phát âm đúng thì mới có thể viết đúng”. Người ta hoàn toàn có thể chuẩn hoá chính tả một cách độc lập trên cơ sở một tiếng Việt văn hoá đã có một quá khứ nhất trí cao về mặt này. Dĩ nhiên, do tình trạng phát triển không đồng đều các tầng chức năng của tiếng Việt hiện nay, các quy tắc chính tả cũng cần phải có những dung sai nhất định trong tham chiếu với các vùng chức năng khác nhau. Ngay chính tả cũng cần một thái độ bao dung đa chuẩn mực. Sự cần thiết của việc chuẩn chính tả dù đã được bàn luận đến từ lâu nhưng luôn luôn là vấn đề thời sự đối với bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới. Vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng, khúc mắc trong chuẩn hóa chính tả tiếng Việt cần phải được giải quyết. Vẫn còn nhiều những sự khác biệt, dị biệt về cách viết một từ hay một thuật ngữ được phơi bày trên các mặt báo, trên các thông báo của các cơ quan Nhà nước và ngay cả trong các từ điển tiếng Việt hay song ngữ Việt – nước ngoài.
Từ điển chính tả tiếng Việt được biên soạn nhằm cung cấp các dạng chính tả chuẩn của các từ ngữ thông dụng theo chính âm và chính tả tiếng Việt, đồng thời cũng chỉ dẫn những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng. Cho nên chuẩn hoá chính tả không hề đơn giản, mà cực kì phức tạp. Đó được xem là cả một quá trình lâu dài chứ không phải một sớm một chiều.
Mời bạn đón đọc.