Giới thiệu sách Trí Tuệ Lãnh Đạo 1 (Hộp 3 Cuốn)
1. Trí Tuệ Trường Đoản Kinh:
Sách “Trí tuệ trường đoản kinh” liệt kê học thuyết của bách gia chư tử, trình bày những sự thực lịch sử các thời đại mà cốt yếu là “luận về thuật cơ quyền của vương bá, thuật trường đoản của chính biến”, thu thập các sự kiện lịch sử quan trọng bị che lấp trong suốt các thời đại trước Tùy Đường, nêu bật các mưu lược thần kỳ, tuyệt luân của các bậc quân thần lỗi lạc, luận về các sở trường và sở đoản của họ. Tác giả còn dung hòa tư tưởng Nho, Đạo, binh pháp, tập trung các mưu lược của vương bá để hình thành một bộ toàn thư mưu lược văn võ.
“Trường đoản kinh” là một trước tác có nội dung về Tung hoành học do Triệu Nhuy thời nhà Đường biên soạn, được các bậc quân thần có chính tích, dày công nghiệp các thời đại đánh giá cao và áp dụng vào thực tế, được đề cao là tiểu “Tư trị thông giám” (cuốn biên niên sử nổi tiếng của Tư Mã Quang).
Sách Trí tuệ “Trường đoản kinh” có nội dung phong phú, ý nghĩa sâu sắc, đề cập đến nhiều phương diện như đức hạnh của quân thần, dùng sở trường của con người, quan sát tình thế, quyền biến bá lược …, sử và luận kết hợp; trình bày nhiều tầng thứ, nhiều góc độ, tạo thành một chỉnh thể trước sau chiếu ứng nhau. Tuy là một công trình xuất hiện từ hơn một nghìn năm trước, nhưng ngày nay nó vẫn là một trước tác “Tung hoành học” mang lại nhiều gợi ý sâu sắc và hữu ích dành cho các nhà lãnh đạo có chí lớn.
2. Trí Tuệ Băng Giám:
Tăng Quốc Phiên (1811 – 1872) tên là Tử Thành sinh tại tỉnh Hồ Nam, một đại thần nổi danh triều đại nhà Thanh là một trong “Văn Thanh tứ đại danh thần”. Ông không chỉ giỏi trị quốc, trị quân, trị học, trị gia được đời sau tôn sùng mà còn xem như một nhà nhân tướng học có biệt tài nhìn người và dùng người. Và đó cũng là nhân tố quan trọng hàng đầu dẫn đến sự thành công trong toàn bộ sự nghiệp của Tăng Quốc Phiên.
Vì thế, hậu nhân tập trung các trước tác nói về thuật nhìn người để sử dụng nhân tài của Tăng Quốc Phiên thành một tập lấy tên là “Băng giám”, ngụ ý lấy băng làm gương nhìn thấu tỏ chân tơ kẽ tóc mọi vấn đề. Tưởng Vĩ Quốc, khi làm hiệu trưởng Đại học Tam Quân đã chỉ định “Băng giám” là sách tham khảo quan trọng cho sinh viên.
Cuốn sách Trí tuệ băng giám này là một sự chỉnh lý gia công đối với “Băng giám” nên lấy tên là “Trí tuệ Băng giám” được chia thành 2 phần: phần một gồm 7 chương , trình bày nguyên văn, dịch nghĩa và bình giải nguyên tác “Băng giám”; phần hai gồm 3 chương là “thuật nhìn người, dùng người của Tăng Quốc Phiên”, trình bày quan điểm về việc vận dụng nhân tướng học trong việc dùng người và bồi dưỡng nhân tài thông qua nội dung các bài văn của tác giả mà mục đích đều hướng đến việc nhìn vấn đề một cách toàn diện, vĩ mô.
3. Trí Tuệ Trong Đức Nhẫn:
“Nhẫn” là một khái niệm đã xuất hiện từ lâu trong cuộc sống. Trong sách “Thượng thư” thiên “Quân Trần” đã từng nhắc nhở “cần nhẫn nại để thành công, cần bao dung để thêm đức hạnh”. Ngay các bậc hiền nhân, minh triết đều nhấn mạnh sự lợi hại của chữ nhẫn khi vận dụng nó vào đời sống. Vì thế, người đời sau luôn đặt chữ nhẫn lên hàng đầu.
Trí tuệ trong đức nhẫn (Nhẫn kinh trí tuệ) được biên soạn từ cuốn “Khuyến nhẫn bách châm”. Cái tên đã nói rõ nội dung là tập hợp những câu chuyện về đạo “Nhẫn”. Toàn bộ cuốn sách Trí tuệ trong đức nhẫn bao gồm hàng trăm đạo lý của chữ nhẫn trong hầu hết các phương diện và lĩnh vực của cuộc sống. Trong đó vừa có cái nhẫn về sự kiên quyết không dung nạp cái ác như “Nhẫn về khí”, “Nhẫn trước sắc”, “Nhẫn trước sự sủng ái”. Bên cạnh đó, lại có cả cái nhẫn về hiếu thuận, liêm khiết, đức độ như “Nhẫn trong chữ hiếu”, “Nhẫn trong chữ trí”…
Khi đi sâu vào ý nghĩa sẽ thấy muôn màu của bộ mặt nhân sinh bày ra trong sức mạnh tiềm tàng của chữ nhẫn vốn ẩn chứa những phương kế sống của một đời người.
Nhẫn phải có tiền đề, có nguyên tắc. Mỗi người nên dựa theo điều kiện khách quan của mình để áp dụng một cách linh hoạt, như vậy mới đạt tới đỉnh cao của chữ Nhẫn.
Mời bạn đón đọc.