Giới thiệu sách Câu Chuyện Về Quản Trị Doanh Nghiệp
Ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Xuân dài, trong cái se lạnh và bầu không khí còn rất “tết” của Hà Nội, tôi mở đọc và lập tức bị cuốn hút bởi bản thảo cuốn sách nhỏ, có tựa đề giản dị Câu chuyện về quản trị doanh nghiệp của anh Trần Hữu Chinh. Các câu chuyện mang nhiều tính chuyên môn, xen lẫn với “những tản mạn suy tư được ghép lại theo từng mảng của cuộc đời” không thuần túy chỉ là các câu chuyện. Kết nối những gì đằng sau các câu chuyện? Dường như tác giả đã phác họa cho người đọc những phẩm chất cơ bản, những nét cơ bản về chân dung của một thế hệ các nhà quản trị doanh nghiệp vượt qua những năm tháng chuyển đổi nhọc nhằn của đất nước. Đồng thời, cũng thấp thoáng câu trả lời cho suy tư của tôi và các đồng nghiệp trong Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam: “Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam – anh là ai?” Câu hỏi mà chúng tôi luôn trăn trở muốn tìm đáp án cho các thế hệ các nhà quản trị tương lai, khi đất nước chúng ta hội nhập và hòa vào dòng chảy của thời đại.
Khởi đầu bằng 12 câu chuyện quản trị, thực chất là 12 vấn đề căn bản của quản trị doanh nghiệp, được tác giả rút ra từ thực tiễn, được mô tả một cách súc tích và luận cứ bằng các lý thuyết quản trị hiện đại. Đọc các câu chuyện của anh, các vấn đề anh nêu ra và các gợi ý giải quyết vấn đề, thật khó hình dung, đây là người đã từng tham gia lãnh đạo một doanh nghiệp rất sớm (từ năm 1989), trong một môi trường kế hoạch hóa, bao cấp nặng nề. Vượt lên chính mình, vượt lên cách tư duy và hành động chỉ bằng kinh nghiệm. Luôn tiếp cận với kiến thức quản trị hiện đại, bằng trí tuệ và trải nghiệm, suy ngẫm trong môi trường văn hóa của Việt Nam để tìm ra đường đi phù hợp nhất cho mình, cho doanh nghiệp của mình. Phải chăng đây là phẩm chất hàng đầu cần có của một nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam?
Chương 2 – “Quản trị nông nghiệp và giảm bớt nhọc nhằn, nghèo khó cho vùng nông nghiệp và nông thôn quê tôi”, dường như không ăn nhập gì với chương đầu. Anh viết như một nhà văn. Những đoạn viết chân thực, sâu lắng, đầy xúc động khi anh nói về quê hương, tuổi thơ và người mẹ của mình. Tình yêu của anh gắn liền với những gì cụ thể xung quanh anh, “những con sông lúc bình thường, lúc dữ tợn”, những bông “hoa dại bên đường chợt vàng tươi rồi chợt tàn trong nắng khô và gió lộng”, “những trái cây chín, nhất là mít hoặc dưa gang, hái và ăn tại chỗ”. Và người mẹ “mồ hôi đẫm ướt chiếc áo đen”, “chiếc nón lá không đủ che nắng gắt của mặt trời; gánh một bên là một ít trầu cau, một số bó củi, ít rau,… chiếc thúng còn lại là tôi ngồi cho cân bằng”. Phải chăng, tình yêu quê hương, luôn đau đáu nghĩ về quê hương, tình yêu thắt lòng với người mẹ của mình, chính là nền tảng tạo nên nhân cách, sự tử tế, cảm hứng và sức mạnh của người Việt, và đặc biệt của các nhà quản trị doanh nghiệp Việt trong môi trường thế giới phẳng hiện nay và tương lai?
Chương 3 – “Con đường hội nhập” là những suy ngẫm, đúc kết tản mạn của anh khi nhìn ra thế giới mà anh cho là “không bình yên”. Thế giới không bình yên, nhưng thế giới vẫn là “một kho tàng quý báu”. Một đất nước không thể sống cô lập và tự phát triển được, con đường hội nhập với thế giới vẫn là điều tất yếu. Anh đặt ra những vấn đề khi hội nhập, đồng thời đúc kết 7 “yêu cầu đổi mới để hội nhập”, thực chất là 7 thách thức mà một nền quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp cần vượt qua. Ngắn gọn, cô đọng, cụ thể nhưng đáng để cho những người hoạch định chính sách, những nhà quản lý, những người làm quản trị doanh nghiệp tham khảo một cách ngiêm túc.
Chúng ta đã quen với câu “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương” (Think globally, act locally) để phản ánh quan hệ giữa tầm nhìn và hành động. Tầm nhìn – hành động, có lẽ đây cũng là gửi gắm của tác giả và cũng là một phẩm chất quan trọng mà một nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cần có.
Chương 4 – “Con người và hệ thống quản trị chiến lược làm gia tăng giá trị bền vững” được viết như một lời nhắn nhủ của tác giả “Doanh nghiệp tồn tại và phát triển nhanh hay chậm, hiệu quả cao hay thấp, hay rơi vào tình trạng khó khăn, phá sản là do yếu tố con người, nhất là cấp lãnh đạo doanh nghiệp và một số người chủ chốt trong nguồn tài nguyên nhân lực cao cấp của doanh nghiệp”. Quan tâm tối đa đến con người, từ con người xây dưng hệ thống quản trị chiến lược để phát triển. Đúng là những bài học tưởng giản đơn, nhưng để thực hành được, hoàn toàn không dễ dàng gì đối với bất kỳ một nhà quản trị nào.
Chương 5, chương cuối cùng, bàn về doanh nghiệp, doanh nhân, cuộc đời doanh nhân. Tác giả như quay trở về với chính mình, với những nét trầm tư, những trăn trở đượm vẻ “triết lý”. Anh tổng kết “Cuộc đời doanh nhân không phải chỉ là những chuỗi thành công mà có cả những điều buồn phiền, cay đắng; không phải chỉ có hoa hồng mà có cả gai nhọn làm nhức nhối tâm hồn”. Anh khái quát “cốt cách của một doanh nhân chân chính” là “sự chân thành gắn bó với quê hương và giữ vững danh dự của một trí thức”; con người doanh nhân là “suy tư và lãng mạn”, con người ấy khi “nhìn vào các ánh mắt trẻ thơ mồ côi như những đốm lửa yếu ớt” và thốt lên “anh sẽ cùng các em đi thêm một khoản đường thiện nguyện”. Những tổng kết, những khái quát chắc chắn không phải chỉ từ sách vở mà được chắt lọc ra từ mấy chục năm cuộc đời doanh nghiệp đầy gian truân của chính bản thân anh.
Cám ơn anh. Một cuốn sách nhỏ của những “câu chuyện” nhưng đã truyền tải nhiều thông điệp đáng suy ngẫm. Đất nước đang cần thay đổi để vượt qua những thách thức khắc nghiệt. Đất nước chỉ có thể “đổi mới toàn diện” khi chúng ta có được một đội ngũ đủ đông các doanh nhân, các nhà quản trị doanh nghiệp, các nhà quản trị quốc gia có được các phẩm chất, các cốt cách được chấm phá trong cuốn sách nhỏ này.
Để kết thúc, tôi cũng xin dẫn lại 5 câu thơ mà anh dùng để kết thúc cho cuốn sách của mình:
Cuộc đời con người rồi sẽ về đâu?
Về cuối đường thấy có nụ cười hay tên đao phủ?
Thấy ánh lửa hồng hay sét đánh ngang vai?
Về cuối đường thấy mây ngàn êm êm trôi vào vũ trụ,
Thấy ta vẫn là ta của thuở hiền hòa.
Hà Nội, Xuân Bính Thân 2016
TS. Hàn Mạnh Tiến
Chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam.
Mời bạn đón đọc.