Giới thiệu sách Người Con Trai Phi Thường
Dương Hồng Anh là nhà văn viết sách thiếu nhi bán chạy nổi tiếng ở Trung Quốc. Những tác phẩm của bà đều đạt kỷ lục phát hành: hơn 10 triệu bản. Tác phẩm của Dương Hồng Anh nhận được nhiều giải thưởng, đồng thời được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong đó, bộ tiểu thuyết tuổi học trò kể về những câu chuyện vô cùng thú vị giữa những đứa trẻ ngây thơ, đáng yêu với những tính cách khác nhau, được rất nhiều bậc phụ huynh và trẻ em yêu thích. Những nhân vật nhí này dưới ngòi bút của Dương Hồng Anh đều là những ngôi sao phi thường trong lòng các độc giả nhỏ tuổi.
Bộ sách phi thường gồm 6 quyển, là nơi hội tụ của những nhân vật ngôi sao này.
“Hai hôm nay, Ngô Miến cứ lo tập hợp điện thoại nhà của các bạn trong lớp. Tôi hỏi nó đang làm gì, nó nói chẳng làm gì cả. Hôm nay tôi thấy nhiều bạn trong lớp đều có một quyển sổ điện thoại nhỏ đánh bằng vi tính, trên tay Mã Đạt cũng có một quyển. Tôi hỏi nó lấy ở đâu ra, nó nói là mua ở chỗ Ngô Miến, 1 đồng một quyển. Có thể kiếm tiền từ bạn bè sao?
Lúc ra về tôi còn thấy có người mua sổ điện thoại của Ngô Miến, liền nói: “Ngô Miến này, mình cảm thấy bạn làm vậy kỳ lắm”.
“Sao lại kỳ”, Ngô Miến làm như rửa tai lắng nghe.
Tôi không nói ra được không tốt ở điểm nào, nhưng cứ cảm thấy không nên kiếm tiến từ bạn bè.
Ngô Miến thấy tôi không nói ra được gì, liền lên giọng dạy đời: “Cái này gọi là vừa học vừa làm. Bạn hiểu chưa?”
Tôi nói: “Có kiếm tiền thì cũng không nên kiếm tiền của bạn bè”.
Ngô Miến nói: “Chỉ cần kiếm lời hợp lý thì kiếm tiền của ai cũng vậy thôi”.
Tôi không hiểu lợi nhuận là cái gì, Ngô Miến giải thích với tôi như thế này đây: “Ví dụ, mình làm quyển sổ này, trừ tiền vốn như tiền giấy, tiền tiêu hao máy, tiền điện ra, lại trừ tiền công thiết kế, đánh máy, trang trí của mình ra, số còn lại gọi là lợi nhuận – tức là số tiền kiếm được”.
Tôi nói: “Bạn biết nhiều quá hen?”
“Cái này gọi là bồi dưỡng kiến thức kinh doanh từ nhỏ”.
Tôi xem xét quyển sổ điện thoại nhỏ xinh xắn được thiết kế đặc biệt này. Tôi nghĩ thầm, quyển sổ này nếu có chép tay thì cũng mất cả buổi, và còn phải mua quyển sổ để mà chép nữa. Theo cách tính của Ngô Miến thì tiền vốn đâu chỉ 1 đồng, chẳng thà mua một quyển của nó còn hơn.
Tôi cũng đưa cho Ngô Miến 1 đồng để mua một quyển.
Về đến nhà ngồi vào bàn học, tôi giở sách ra nhưng chẳng học được một chữ, bài tập về nhà cũng chẳng viết được chữ nào, trong lòng cứ nghĩ về việc Ngô Miến bán sổ điện thoại để kiếm tiền, lại nhớ lại chuyến du lịch nghỉ mát của tôi vào mùa hè năm ngoái. Tôi quen được một đứa con gái bằng tuổi, con của một người nông dân, ngày náo nó cũng đem những con chim đan bằng lá gói bánh ú bán ở chỗ đông người, 2 hào một con, người mua rất đông. Nó nói với tôi là nó làm những con chim này bán để kiếm tiền đóng học phí. Tôi hỏi nó cứ mỗi kỳ nghỉ như vậy thì kiếm được bao nhiêu tiền? Nó nói kiếm đủ tiền học phí cho cả học kỳ, còn dư tiền thì mua cho bản thân thêm vài bộ quần áo bông hay đầm hoa.
Cái mà tôi nghĩ mãi không ra là: Cô bạn con nhà nông đó và Ngô Miến đều dựa vào sức lao động, vào khả năng của mình để kiếm tiền, nhưng sao tôi cứ nghĩ cô bạn ấy làm đúng, còn Ngô Miến là không nên. Là sao? Hiện giờ tôi rất cần ai đó chỉ rõ cho tôi điều này. Nhưng trong phòng chỉ có “em gái Nam Tây”. Nó vẫn vô tư vô lự, nhưng lại như rất hiểu chuyện nằng yên trên giường của tôi. Nhưng tôi không còn cảm giác dựa dẫm vào nó, có gì cũng kể cho nó nghe như lúc trước nữa – nó chỉ là con búp bê bằng vải mà tôi yêu quý, không thể giải đáp bất kỳ câu hỏi nào của tôi. Chẳng bằng gửi thư cho Lâm Thục Viên ở nước Mỹ xa xôi xem, nó nhất định có thể giúp tôi “xua tan mây đen để thấy mặt trời”.” (Trích Có thể kiếm tiền từ bạn bè không?)
Mời bạn đón đọc.