Giới thiệu sách Trí Tuệ Trang Tử – Tập 1
Trí Tuệ Trang Tử – Tập 1:
Trang tử (khoảng 369 – 286 TCN) tên là Chu, tự Tử Hưu, sống vào thời Chiến Quốc. Ông người ở đất Mông nước Tống, nay thuộc Mông Thành, tỉnh An Huy, nhưng có sách lại nói nay là vùng Đông Bắc, Thương Khâu, tỉnh Hà Nam.
Ông từng làm chức lại nhỏ ở Vườn Cây sơn (Tất viên tiểu lại). Sinh thời, đời sống nghèo túng, ông thường phải vay gạo nhà Giám hà hầu (Có lẽ là một chức quan coi sông nước). Như vậy ông gần ngang tuổi với Mạnh tử, dưới triều đại Lương Huệ vương, Tề Tuyên vương.
Trang tử là người kế thừa, phát triển tư tưởng triết học của Lão tử, đồng thời là người mở ra học phái Trang tử thời Tiên Tần. Nó bao hàm và ảnh hưởng tới rất nhiều phương diện, từ triết học, văn học nghệ thuật, đến cách sống của xã hội đương thời.
Tuy chỉ làm chức lại nhỏ nhưng ông không bon chen cầu danh lợi. Đời sau còn lưu truyền chuyện ông từ chối vàng bạc của Sở Uy vương tặng. Suốt đời ông chỉ thích tiêu dao tự tại, sống thanh tịnh an nhàn mà thôi.
Ở nước ta, các truyện, thơ ca của những văn hào lỗi lạc đời xưa như Nguyễn Dự, Nguyễn Du (thơ chữ Hán), Mãn Giác Thiền sư, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… cũng tiếp thu không ít tư tưởng Lão Trang.
Sau này, khi đất nước ở giai đoạn đen tối, nhiễu nhương bị thực dân Pháp đô hộ, cuộc sống trí thức bế tắc…..tư tưởng Lão Trang thể hiện khá rõ ở khía cạnh tiêu cực, yếm thế, lánh đời… trong các tác phẩm của các tác giả nhóm Tự lực văn đoàn như truyện của Nhất Linh, Khái Hưng, thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu….
Hiện nay, thiên nhiên và xã hội loài người đang đứng trước mối đe doạ ngày càng lớn của nhân vi. Đó là sự phá hoại đối với tự nhiên, với môi trường sống, sự đối xử độc ác với nhau, sự tiêu diệt các sinh vật khác một cách không thương xót của con người… nhưng lại được che đậy bởi bộ mặt giả trá, văn minh, đạo đức.
Bởi vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đọc tư tưởng của Lão tử và Trang tử, nghiên cứu sâu lý thuyết cân bằng để tồn tại, chung sống giữa người với người, người và muôn vật mà Trang tử đã đề cập đến trước đây hơn 2000 năm trong thiên Tề vật luận.
Về cuộc sống tinh thần cá nhân, ông chủ trương không cần dựa vào ngoại lực, con người cũng có thể đạt đến mức cảnh giới cao, sống tiêu dao tự tại, mọi sự và vạn vật trong vũ trụ đều có tính bình đẳng như nhau. Con người ở trong vũ trụ phải biết cách dưỡng sinh, tức là sống thuận theo lẽ tự nhiên, theo hoàn cảnh. Khi con người đã tu dưỡng được đức tính coi trọng nội tại của mình, có đức tính đủ đầy, thì sinh mệnh tự nhiên có sức mạnh tuôn trào.
Mục lục:
Lời nói đầu
Chương 1: Thú tiêu dao
Chương 2: Mọi vật đều ngang nhau
Chương 3: Phép dưỡng sinh
Chương 4: Sống ở trên đời
Chương 5: Sự thể hiện sung mãn của Đức
Chương 6: Đạo là người thầy vĩ đại của ta
Chương 7: Theo ông vua Tự Nhiên
Tài liệu tham khảo chính
Mời bạn đón đọc.