Giới thiệu sách Các Nguyên Tắc Quản Trị Hiện Đại Trong Nền Kinh Tế Toàn Cầu – Nguyên Tắc Và Thực Hành
Trong mỗi thời kỳ hoạt động kinh doanh, các quản trị gia công ty có cách suy nghĩ và quản trị mới về các mục tiêu, các chiến lược, và các chiến thuật của họ cho thích hợp với các thời kỳ đó, do tình hình kinh tế biến đổi nhanh, nếu không công ty sẽ gặp thất bại. Thực vậy, các nguyên tắc quản trị thắng lợi, chiếm ưu thế trong thời gian qua có thể trở nên lạc hậu trong ngày hôm nay do các thay đổi lớn về tình hình kinh tế, tài chính (như việc suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chánh năm 2008). Các khách hàng có khuynh hướng đòi hỏi các sản phẩm hay dịch vụ cao hơn, tốt hơn như có nhiều tính năng hơn, mẫu mã đẹp hơn, giá cả hợp lý hơn, dịch vụ khách hàng tốt hơn…
Các quản trị gia công ty, ngày nay, phải đối phó với các thách thức xảy ra trong những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thập niên và có thể còn tiếp tục của thế kỷ 21. Các thách thức đó là:
– Cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng mạnh mẽ
– Sự huỷ hoại môi trường sống ngày càng gia tăng
– Việc xao lãng về hạ tầng cơ sở
– Nền kinh tế bị đình trệ, suy thoái (nhất là năm 2008, việc đình trệ này không chừa bất cứ quốc gia hay công ty nào).
– Kỹ năng lao động thấp
– Các vấn đề kinh tế, chánh trị và xã hội khác
Các vấn đề đã nêu trên là những thách thức nhưng đồng thời cũng là các cơ hội cho các quản trị gia trong việc đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử, các quản trị gia phải có được các phương thức quản trị thích hợp, hữu hiệu để đối phó với việc làm kinh doanh trong nền kinh tế toàn cầu đang biến đổi nhanh. Các quản trị gia, đầu thế kỷ 21, phải đối đầu với một số vấn đề đang bộc phát, đó là quản trị gia phải hoạt động kinh doanh trong môi trường cạnh tranh toàn cầu mà vài thập niên của thế kỷ 20 trước đây ít gặp phải, như sự cách biệt về thu thập giữa các lực lượng lao động, nhu cầu phải bảo vệ môi trường sống, các vấn đề liên hệ khác.
“Cuộc cạnh tranh mới không phải là giữa những gì mà công ty sản xuất ra ở tại nhà máy của mình mà là giữa những thứ mà họ bổ sung cho sản phẩm của nhà máy dưới hình thức bao bì, dịch vụ, quảng cáo, tư vấn cho khách hàng, tài trợ, thoả thuận giao hàng, lưu kho và những thứ khác mà mọi người xem trọng” “Giáo sư Theodore Levitt (Mỹ)”
Mục lục:
Chương 1: Quản trị ngày nay
Chương 2: Các vai trò và các kỹ năng quản trị
Chương 3: Các môi trường của tổ chức
Chương 4: Việc quản trị trong môi trường toàn cầu
Chương 5: Lập kế hoạch quản trị
Chương 6: Giải quyết vấn đề quản trị và ra quyết định
Chương 7: Các khái niệm và việc thiết kế các tổ chức
Chương 8: Quản trị Tài nguyên nhân sự và chức năng tuyển dụng
Chương 9: Lãnh đạo
Chương 10: Tạo động lực làm việc cho nhân viên
Chương 11: Các nhóm và các đội làm việc trong tổ chức
Chương 12: Truyền thông trong tổ chức
Chương 13: Việc kiểm soát của tổ chức
Chương 14: Thay đổi và canh tân tổ chức
Bảng giải thích thuật ngữ (Glossary)
Tài liệu tham khảo
Ngoài chủ đề được thảo luận trong 14 chương (tuy chưa đầy đủ do thời lượng môn học này ở Đại học chỉ có 45 tiết), ở mỗi chương, tác giả đều trình bày “Nghiên cứu trường hợp”, hay “Điển cứu” về các vấn đề kinh tế, tài chánh của Việt Nam để một phần nào minh hoạ cụ thể các chương đã đề cập.
Ngoài ra, tác giả cũng dựa vào mục “Tóm lược chương” và “Ngữ vựng của quản trị gia” bằng tiếng Việt và cả tiếng Anh, để giúp người đọc làm quen hơn với một số thuật ngữ quản trị bằng tiếng Anh, và “Các câu hỏi ôn tập và phân tách”. Mục đích của quyển sách này là giúp các giảng viên của các trường đại học có tài liệu giảng dạy và tham khảo, và học sinh có tài liệu học tập trong tình hình toàn cầu hoá nền kinh tế với tốc độc nhanh hiện nay.
Mời bạn đón đọc.