Giới thiệu sách Lợi Thế Cạnh Tranh (Tái Bản 2016)
Michael E. Porter được xem là “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh, là nhà tư tưởng chiến lược bậc thầy của thời đại, và đồng thời là một trong những “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới (theo bình chọn của Financial Times và 50 Thinkers, cùng với Peter Drucker – “cha đẻ” của quản trị kinh doanh hiện đại; và Philip Kotler – “cha đẻ” của marketing hiện đại, người đã đến Việt Nam năm 2007 theo lời mời của PACE).
Năm 2008, Michael E. Porter đã có chuyến viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên để tham dự và chủ trì một hội thảo quốc tế (do Học viện Giám đốc PACE tổ chức) nhằm bàn về “cạnh tranh toàn cầu” và đánh giá “thế mạnh của Việt Nam” trong đua tranh toàn cầu.
Cùng với Hội thảo đặc biệt nói trên, 3 tác phẩm kinh điển nhất trong “kho tàng” của Michael E. Porter bao gồm “Chiến lược cạnh tranh”, “Lợi thế cạnh tranh” và “Lợi thế cạnh tranh quốc gia” được phổ biến bằng Tiếng Việt sẽ góp phần chia sẻ bằng tư tưởng chiến lược quan trọng và những triết lý kinh doanh tiến bộ của Michael E. Porter đến với đông đảo các nhà hoạch định chính sách vĩ mô, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các học giả, các nhà nghiên cứu kinh tế, các sinh viên đại học và sau đại học… tại Việt Nam. Từ đó, sẽ góp phần nâng cao sức mạnh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, của từng địa phương và cả phạm vi quốc gia trong đua tranh toàn cầu khốc liệt hiện nay.
Là sự bổ sung hòan hảo cho tác phẩm tiên phong “Chiến lược cạnh tranh – Competitive Stategy”, trong cuốn sách này, Michael E. Porter nghiên cứu và khám phá những cơ sở cốt lõi của lợi thế cạnh tranh trong từng doanh nghiệp. Với hơn 30 lần tái bản tiếng Anh và được dịch ra 13 thứ tiếng, tác phẩm thứ hai trong bộ ba tác phẩm đặc biệt này của Porter mô tả một công ty đã giành được lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh như thế nào. Cuốn “Lợi thế Cạnh tranh” giới thiệu một cách thức hòan toàn mới trong việc tìm hiểu xem một công ty làm những gì. Khái niệm “chuỗi giá trị” của Porter tách biệt một công ty thành những “hoạt động” khác nhau, những chức năng hoặc quy trình riêng biệt, đại diện cho từng yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh.
“Lợi thế Cạnh tranh” biến chiến lược từ một tầm nhìn mang tính vĩ mô trở thành một cấu trúc nhất quán của những hoạt động bên trong – một phần quan trọng của tư tưởng kinh doanh quốc tế hiện nay. Cấu trúc mạnh mẽ đó cung cấp những công cụ hữu hiệu để hiểu được ảnh hưởng của chi phí và vị thế tương đối về chi phí của công ty. Chuỗi giá trị của Porter giúp các nhà quản trị phân biệt được những nguồn lực tiềm ẩn của giá trị khách hàng (buyer value) – điều có thể giúp chúng ta đưa ra một mức giá cao, và lý do tại sao sản phẩm hay dịch vụ này lại có thể thay thế cho sản phẩm, dịch vụ khác.
Tác giả chỉ rõ lợi thế cạnh tranh không chỉ nằm ở bản thân mỗi hoạt động, mà còn ở cả mối liên kết giữa các hoạt động với nhau, với các hoạt động của nhà cung cấp và cả các hoạt động của khách hàng nữa. “Lợi thế Cạnh tranh” cũng là cuốn sách đầu tiên mang đến cho chúng ta công cụ để phân đoạn chiến lược một ngành kinh doanh và đánh giá một cách sâu sắc logic cạnh tranh của sự khác biệt hóa.
Việc những thuật ngữ “lợi thế cạnh tranh” và “lợi thế cạnh tranh bền vững” ngày càng trở nên thông dụng đã chứng minh mạnh mẽ tính đúng đắn của những ý tưởng mà Porter đưa ra. “Lợi thế cạnh tranh” đã dẫn đường cho vô số các công ty, các sinh viên ở các trường kinh doanh và nhà nghiên cứu trong việc tìm hiểu nguồn gốc, ngọn ngành của cạnh tranh. Tác phẩm của Porter tiếp cận tính chất vô cùng phức tạp của cạnh tranh theo một cách thức giúp chiến lược trở nên vừa cụ thể, vững chắc, vừa có thể thực hiện được.
Mời bạn đón đọc.