Giới thiệu sách Bảo Hộ Chỉ Dẫn Địa Lý Của Việt Nam Trong Điều Kiện Hội Nhập Kinh Tế Quốc Tế
Bảo Hộ Chỉ Dẫn Địa Lý Của Việt Nam Trong Điều Kiện Hội Nhập Kinh Tế Quốc Tế – Bảo Hộ Quyền Sở Hữu Công Nghiệp Cho Sản Phẩm Đặc Sắc Của Địa Phương:
Từ thời xa xưa, khi các sản phẩm chính của thương mại quốc tế chủ yếu là hàng nông sản, khoáng sản hay các mặt hàng thủ công đơn giản như đồ gốm hay vải dệt… lợi thế cạnh tranh trong thương mại của một số sản phẩm so với sản phẩm khác chủ yếu là nhờ vào những đặc tính và chất lượng riêng biệt mà các điều kiện địa lý như khí hậu và địa chất của các khu vực địa lý mang lại. Các vùng địa lý với các địa danh nổi tiếng đã mang lại lợi thế cho các sản phẩm cùng loại như pho mát Roquefort, rượu vang Bordeaux của Pháp, pha lê Bohemia của Cộng Hòa Séc… Ngay cả ở Việt Nam, nhiều sản phẩm quen thuộc với mọi người dân nhờ gắn kết với các địa danh như vải thiều Thanh Hà, bưởi Đoan Hùng, Chè Tân Cương,… Các địa danh đi kèm với các sản phẩm đã gợi cho người tiêu dùng nhớ đến không chỉ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà còn nắm bắt đưuọc cả đặc tính, chất lượng đặc biệt của sản phẩm nhờ nguồn gốc địa lý của nó. Chỉ dẫn địa lý dần trở thành một bộ phận vô hình của sản phẩm nhưng góp phần làm gia tăng giá trị cho sản phẩm và vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống nói chung và hoạt động thương mại nói riêng.
Cùng với tiến trình toàn cầu hóa về kinh tế và tự do hóa về thương mại, các quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm hơn tới việc đưa các sản phẩm của mình thâm nhập vào thị trường của các nước khác thông qua việc sử dụng chỉ dẫn địa lý. Cuốn sách " Bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế" do TS. Lê Thị Thu Hà biên soạn sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức về đối tượng sở hữu trí tuệ đặc biệt này. Nghiên cứu đề cập đến những lợi ích trong thương mại cũng như khó khăn trong việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý và cách thực hiện bảo hộ quyền sở hữu đó.
Mời bạn đón đọc.