Giới thiệu sách Ngôi Nhà Tranh
Tang Tang là một cậu bé hiếu động, gây ra không ít rắc rối cho người lớn và bạn học, nhưng cũng là một cậu bé dạt dào tình cảm.
Ngôi nhà tranh là tập hợp những câu chuyện đời thường, bình dị khó quên xoay quanh cuộc sống của cậu bé Tang Tang. Cậu thích chọc phá cậu bạn ngồi cùng bàn tên Lục Hạc vì cái đầu trọc lốc của cậu ta. Cậu có một thứ tình cảm ngượng ngùng không thể nói thành lời với cô bạn học Chỉ Nguyệt đến từ làng khác. Cậu ganh tị với cậu lớp trưởng Đỗ Tiểu Khang vì tính dám làm dám chịu, khiến cho Tang Tang bị bạn bè xem như “tội đồ”, nhưng sau đó Đỗ Tiểu Khang lại là người làm Tang Tang khâm phục nhất. Tang Tang là cầu nối tình yêu cho thầy giáo dạy Văn hay, thổi sao giỏi – Tưởng Nhất Luân với cô gái được dân làng xem là mỹ nhân – Bạch Tước. Nhưng chính vì cái tình hiếu thắng hay tò mò của cậu mà làm mối tình này phải gãy gánh giữa đàng.
Trong ngôi nhà tranh, còn có bà cụ Tần ngang ngược, suốt đời gắn bó với ngôi nhà nhỏ nằm ở góc tây bắc của trường Du Ma Địa, mọi người bảo dọn đi thì không đi, khi đi rồi, mọi người bảo dọn về thì lại không về, khiến mọi người trong làng đều cảm thấy khó xử. Có Tế Mã, cậu bé từ vùng khác tới, cảm thấy bị cô lập vì mọi người đều không hiểu cậu, suốt ngày chỉ biết chăn dê và chơi với chúng. Có cô giáo Ôn Ấu Cúc, vì nhớ mãi nồi thuốc của bà nội nấu cho cô trong những ngày đau ốm mà sau này cô mở một “dược liệu” nhỏ ngay trong trường tiểu học Du Ma Địa để chữa bệnh cho học sinh trong trường.
Ngôi nhà tranh là một cuốn tiểu thuyết đẹp, đẹp từ đầu cho tới cuối truyện. Cả tiểu thuyết chính là hiện thân của người dân quê chân chất, hiền hậu và đầy tình yêu thương.
Bộ phim Ngôi nhà tranh do chính nhà văn Tào Văn Hiên chuyển thể từ tác phẩm văn học được công chiếu từ năm 1998, nhận được nhiều giải thưởng cao quý: Giải điện ảnh Kim Kê Trung Quốc lần thứ 19 cho Kịch bản xuất sắc nhất, Giải điện ảnh Đồng Ngưu Trung Quốc lần thứ 8 cho Kịch bản xuất sắc nhất, Giải Hồ điệp vàng tại LHPQT Tehran lần thứ 14, Giải Sư tử đồng tại LHPQT Giffoni (Ý) lần thứ 13.
Năm 2005, Ngôi nhà tranh được dàn dựng thành vở ca kịch, được biểu diễn tại Nhà hát quốc gia Trung Quốc.
Ngôi nhà tranh được trích dẫn trong sách giáo khoa tại Trung Quốc và trở thành cuốn sách cần đọc đối với mọi thiếu nhi ở nước này.
Mời bạn đón đọc.