Nước Đức được xem là một trong những chiến trường tàn khốc nhất của Đại chiến thế giới lần thứ II. Nhắc đến sự thảm khốc của chiến tranh phải chăng người ta chỉ nhắc đến máu, bom đạn và mùi thuốc súng? Đó có phải là nỗi đau duy nhất mà chiến tranh mang lại? Bằng một cái nhìn sâu sắc và trái tim đầy nhân văn Heinrich Böll đã đề cập đến nỗi đau khủng khiếp của chiến tranh. Một nỗi đau “không vương mùi thuốc súng”- nỗi đau thời hậu chiến.
|
Sách “Nàng Anna xanh xao và nhiều truyện ngắn khác”.
|
Trong Thiên đường đã mất là nỗi đau khắc khoải, thầm lặng của người lính trở về sau chiến tranh. Anh thấy ái ngại như người có lỗi trước ánh mắt của một người cha có con đi lính chưa trở về. Đó là một chàng trai bằng tuổi anh, từng chiến đấu ở vùng đất mà anh đóng quân. Chỉ khác một điều, giờ anh bình an trở về còn chàng trai vẫn bặt vô âm tín. Người cha tội nghiệp dường như linh cảm được cái chết có thể đã đến với con mình, vì thế cái nhìn của ông ám ảnh người cựu binh. Nhưng người trở về bình an cũng không thể sống một cách thanh thản. Trong căn nhà giờ đây chỉ là một đống hoang tàn, ký ức về những ngày sống hạnh phúc bên người con gái anh yêu cứ thế hiện về.
Còn Nàng Anna xanh xao lại cho người đọc thấy được nỗi đau khủng khiếp của một người con gái nơi hậu phương. Cô gái ấy chưa từng biết thế nào là chiến trường, nhưng hiểu thế nào là chiến tranh tàn khốc. Anna vốn là một cô gái rất xinh đẹp. Làn da cô trắng đến nỗi người ta gọi cô là “Anna xanh xao”, một vẻ ngoài không chỉ xinh đẹp mà vô cùng mong manh. Nhưng một vụ nổ kinh hoàng trong trận bom đã cướp đi gương mặt xinh đẹp của cô. Thay vào đó là một khuôn mặt chằng chịt sẹo, làm cho người ta không thể nhận ra Anna của trước kia nữa.
Nàng Anna xanh xao và nhiều truyện ngắn khác không chỉ được biết đến với tư cách một tác phẩm của tác giả đoạt giải Nobel Văn chương năm 1972, tập truyện ngắn này là tác phẩm mở đầu cho một dòng văn học mới – “dòng văn học hoang tàn” mà cha đẻ của nó không ai khác chính là Heinrich Böll. Ông không chỉ sáng tác bằng sự nhạy cảm của một nhà văn, mà còn bằng cả những trải nghiệm của một người lính trở về từ cuộc chiến. Năm 1938, khi đang học đại học ngành Văn học cổ điển và Đức ngữ tại thành phố Köln quê hương, Heinrich Böll đã bị bắt đi lính trong quân đội của Đệ tam Đế chế. Ông đã bị quân đội Mỹ bắt làm tù binh và giam ở niềm nam nước Pháp mãi đến năm 1945 mới được trả tự do. Ngoài giải Nobel, năm 1967 Heinrich Böll còn nhận giải Georg Brüchner. Không chỉ được biết đến với vai trò là một nhà văn, ông cùng vợ là Anne Maria Sech đã dịch nhiều tác phẩm kinh điển thế giới sang tiếng Đức.
Những trang viết của Heinrich Böll tập trung miêu tả sự khốc liệt của chiến tranh, với bom đạn và thuốc súng. Ông khắc họa nỗi đau của con người thời hậu chiến để từ đó lên án sự phi nghĩa của chiến tranh. Bằng lối hành văn hàm súc, ngắn gọn cùng nhịp điệu chậm rãi, không có ẩn dụ hay so sánh, chỉ với trần thuật và miêu tả, tác giả vẽ nên một không gian u tối, hoang tàn và tuyệt vọng của nước Đức thời hậu chiến. Ở đó, người ta sống một cách chậm rãi và u uất, cố gắng ru mình bằng những hồi ức tốt đẹp trước khi chiến tranh nổ ra. Đó dường như là cách duy nhất để con người ta không bị những vết thương chiến tranh hành hạ. Marcel Reich-Ranicki – nhà phê bình được mệnh danh là “Giáo hoàng văn học Đức” cũng chính là người đề cử Heinrich Böll và được Hội đồng Nobel nhận xét: “Heinrich Böll là một nhà thuyết giáo với những nét hề và anh hề với phẩm cách linh mục, người gần như đột nhiên trở thành một Praeceptor Germaniae – người thầy của nước Đức, một ông thầy mà nước Đức chưa từng có”.
Quỳnh Anh
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn