Cánh bướm như Trang Tử hoá thân, như lời gởi gắm chân tình của một người bạn dành cho ông: "Mùa xuân đi chơi miền cỏ thơm. Tả cảnh ấy, danh hoạ không cần vẽ đồng cỏ thơm lẫn người du ngoạn mà chỉ vẽ đôi cánh bướm rập rờn quấn quýt quanh chân ngựa ngát hương đang lững thững trở về. Nằm nhà, lại được hân hạnh cho thưởng thức trước bài du ngoạn Hoa Thanh Trì của đại ca, đệ thấy mình là cánh bướm…" – Đây là đoạn trích bài Nguyên hình nữ chúa trên ngày phù du mà Bùi Văn Nam Sơn viết tặng Nguyễn Chấn Hùng, tác giả của Dương Quý Phi tắm suối ao hoa.
Trong buổi trò chuyện về cuốn sách mới phát hành Nhẹ bước lãng du vào đầu tháng 6 tại ngày hội Vietculture (TP.HCM), GS.BS Nguyễn Chấn Hùng đã kể về những chuyến đi của mình. Hành trình này chính là cuộc du ngoạn khắp phương trời, để một lần nữa xác tín về cái đẹp của con người và thiên nhiên, khẳng định sự hoà quyện của cái lý – cái tình sâu thẳm, quấn quýt trong trời đất, không đơn giản là những minh chứng khô khan của khoa học mà còn thể hiện rõ nhất nơi vẻ đẹp cả thể xác lẫn tâm hồn con người qua những tác phẩm nghệ thuật của các thiên tài: Michelangelo, Raphael, Leonard da Vinci, Salvador Dalí… Đó cũng là những gì mà một nhà khoa học chân chính khao khát vươn tới. Dù sau đó, ông tự ví mình chỉ như cánh bướm dạo chơi cõi trần chút thực, chút mộng mà thôi.
Thế nhưng, đi đâu rồi cũng phải quay về. Cánh bướm giữa mộng và thực ấy một hôm bỗng lòng đầy cảm hứng: "đi suốt từ đèo Ngang trở vào, tôi ngẩn ngơ, bồi hồi với các cây cầu bắc qua những dòng sông lịch sử: sông Gianh, sông Nhật Lệ, sống Bến Hải, sông Thạch Hãn. Sống ở thành phố gần nửa thế kỷ, nay mới ngắm dòng sông Sài Gòn thân quen từ trên cầu Phú Mỹ… Mấy tháng trước, tôi thăm cầu Cần Thơ lúc mới hừng đông. Mặt trời mọc, ánh lên dòng sông. Đẹp quá, cây cầu nối cuối cùng thông mọi miền đất nước. Một vận hội mới đây…" (Nhớ lại). Chính những dòng sông này đã cho ông cảm hứng viết Những cây cầu những dòng sông đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị Xuân 2010. Và cũng từ đây ông đã chứng ngộ về không gian, thời gian một cách sâu sắc qua bài thơ Cầu Mirabeau: Dưới cầu Mirabeau, dòng Seine chảy/ Cùng tình ta/ Nên nhớ chăng niềm vui luôn đến sau nỗi ưu phiền/ Rồi đêm đến giờ đổ/ Tháng ngày trôi đi, tôi vẫn còn đây. Chính vì vậy mà cánh bướm kia đã nhẹ nhàng quay trở về chăng?
Lại nói chuyện Dương Quý Phi (trong tập Nhẹ bước lãng du có in lại bài này), một độc giả nữ trẻ từng hỏi tác giả Nguyễn Chấn Hùng: "Cái đẹp nào ông thích nhất? Da mỡ đông như Dương Quý Phi hay mảnh mai Triệu Phi Yến?", ông trả lời dí dỏm: "Ai cũng đòi có cái nhất. Nhưng khi ở tuổi thất thập rồi, trải qua chút đời rồi thì không còn thấy cái nào là nhất mà chỉ thấy còn tuỳ lúc là nhất".
NGÂN HÀ
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn