Một cuốn sách có thể hay theo nhiều cách. Nhưng hay mà gây ngạc nhiên mới khó ở cái thời có lẽ chẳng còn gì là ngạc nhiên nổi. Ngạc nhiên từ cái tên trở đi, ngạc nhiên từ cách chắp nối các dữ kiện, cuốn sách của Jonas Jonasson – Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử lấy quan hệ chính trị giữa các quốc gia trên thế giới để làm chất liệu.
|
Bìa sách “Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử
|
Mặc dù truyền thông cứ mặc định rằng tiểu thuyết diễm tình, kỳ ảo hay trinh thám mới ăn khách, nhưng dòng sách có nội dung các sự kiện lịch sử – chính trị lại hay có bom tấn. Những cuốn hồi ký của vợ chồng Bill Clinton hay tổng thống đương nhiệm Mỹ Obama bán rất chạy. Ở đây, Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử dựa trên những dữ kiện lịch sử có thật để hư cấu nên một không gian hấp dẫn, bởi nó đánh đúng vào… sự tò mò của công chúng. Họ muốn biết thâm cung bí sử, hậu trường của quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia, chuyện quan điểm của nhà nước Thụy Điển với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, giữa các nước phương Tây với Nam Phi thời dưới chế độ Apartheid, hay giữa Israel và phần còn lại của thế giới… Chả thế mà vụ Wikileaks và Edward Snowden khiến truyền thông thế giới sôi sùng sục lên, dù có vẻ không mỹ nhân hay ngôi sao biểu diễn nào liên quan.
Tác giả Jonas Jonasson là người Thụy Điển, một xứ sở có lẽ cũng lạ lùng khi xếp loại hệ thống chính trị quốc gia này. Là nước dân chủ nhưng vẫn còn vương triều, là nước có lẽ chẳng có gì nổi bật ngoài tài nguyên là trí tuệ con người và giải Nobel. Đấy là ấn tượng hồ đồ thế, còn trong cuốn tiểu thuyết này cũng như cuốn sách đầu tiên của cùng tác giả, mang cái tên khá dài – Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất, Thụy Điển là một đất nước của những người kỳ quặc, kỳ quặc có nguyên tắc và cũng rất đáng yêu. Ở đất nước nào nhà vua sẽ vui vẻ đi giết gà làm thịt và thủ tướng xắn quần nhổ khoai tây để làm bữa tối? Tác giả trả lời là Thụy Điển.
Độc giả đã đọc cuốn sách trước sẽ gần như duyệt lại lịch sử thế giới thế kỷ 20 qua cuộc đời của ông cụ Allan Karlsson, người mà vào lúc tròn trăm tuổi đã bỏ trốn khỏi nhà dưỡng lão, để cùng lúc nhắc nhở thiên hạ rằng những bóng ma quá khứ hãy còn sờ sờ ra đấy, rằng cụ ta – như một bằng chứng sống của lịch sử – còn dư sức làm loạn cái thế gian này. Cuốn sách mới này, đương đại hơn, với nhân vật chính bắt đầu cuộc phiêu lưu từ những năm 1960 ở Nam Phi. Nombeko, một cô gái da đen làm nghề nôm na là đổ thùng – dọn vệ sinh ở thành phố Johannesburg, đã bắt đầu hành trình can dự vào lịch sử một cách cũng đầy bất định: phục vụ cho một quan chức chủ trì dự án bom nguyên tử của nhà nước Nam Phi, có mối liên hệ với đặc vụ Israel, gặp Hồ Cẩm Đào khi ông ta hãy còn là một cán bộ cấp trung trưởng thành từ phong trào Đoàn thanh niên tỉnh Giang Tô đi công cán châu Phi… Rồi Nombeko gặp rắc rối khi phải xử lý quả bom nguyên tử bị gửi nhầm đến Thụy Điển. Đến đây câu chuyện mới thực sự là trận địa để tác giả tung hoành: hai anh em sinh đôi Holger thể hiện hai thế giới quan, hai cách phản ứng với trật tự xã hội Thụy Điển, một đeo đuổi những lý tưởng vĩ mô, một duy lý đến chi tiết. Nhân vật của chúng ta rồi sẽ phải đi với những mâu thuẫn của hai thế giới ấy, trong những xung đột tức cười đến phi lý không thể tưởng được. Những điều ta thấy phi lý lại là cách các nền chính trị ngoại giao thế giới vận hành, như cách quan niệm của tác giả ẩn ngầm bên dưới.
Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử là một trò chơi của chủ nghĩa phi lý, những câu chuyện bịa giống như đầy rẫy những thuyết âm mưu trên các trang báo phân tích chính trị salon. Chắc gì có chuyện hãng Electrolux bán cho Chủ tịch Trung Quốc 68.742.000 cái ấm điện với giá rẻ để làm quà tặng cho toàn bộ các đảng viên trong khi ai cũng biết Trung Quốc sản xuất mặt hàng này đầy ra với giá rẻ không đâu cạnh tranh được. Hay chuyện chuyến bay chuyên cơ của ông Hồ Cẩm Đào sẽ mang theo quả bom nguyên tử bị thừa cùng chiếc xe Volvo tặng cho nguyên thủ Trung Quốc và con ngựa biếu phu nhân Lưu Vĩnh Thanh. Câu chuyện kết thúc xanh rờn với sự yên tâm rằng quả bom sẽ được dùng vào mục đích tốt đẹp.
Jonas Jonasson đã làm một việc mà như nhà phê bình văn học Roland Barthes đưa ra, đó là “đọc lại”. Ông giúp chúng ta tiếp cận lịch sử, đọc lại những câu chuyện về thế giới thông qua cách viết cường điệu và giọng hài hước tràn ngập. Trên cơ sở những thông tin lịch sử đã có vẻ chắc chắn, Jonasson thạo những ngón nghề của truyền thông để như làm ảo thuật. Thấp thoáng một quan niệm hư vô chủ nghĩa trong cách tác giả nhìn thế giới. Cô gái da đen Nombeko tiếp bước ông già trăm tuổi Allan, gợi nhớ đến chàng khờ Forrest Gump, lưu lạc trong nhân gian này, để cho người đọc thấy những trò chơi chính trị có tuổi thọ mới ngắn ngủi làm sao. Xét cho cùng, thuyết âm mưu có bao giờ thôi quyến rũ người đọc?
Nguyễn Trương Quý
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn