"Cảm giác như ta đang bay, giống như tôi mới là vật dịch chuyển chứ không phải những đám mây kia. Nếu tôi liếc qua hết góc nhìn, tôi sẽ thấy được đỉnh các tòa nhà – South Africa House, Canada House, Nhà triển lãm Quốc gia, nhà thờ St Martin-in-the-Fields và phần thân trên của những người qua lại.
Một cách chim hải âu lượn vào tầm mắt rồi đi mất. Tôi dõi theo đường bay chạm chạp, yên lặng của một chiếc máy bay, nghĩ tới hành khách trên đó đang nhìn xuống chúng tôi, thấy London càng lúc là nhỏ lại. Họ sẽ nhận biết hình dáng những tòa nhà, nhưng còn người ta – gồm có tôi, ông Daniel và mọi người quanh đây – sẽ vô hình đối với họ.
Tôi nghĩ chắc lâu lâu nữa tôi mới lại ngồi trong một chiếc máy bay, nhìn thế gian teo tóp lại thành những khối tí hon bên dưới.
Người ta đi vòng quanh chúng tôi; tôi nhận biết sức nặng của họ, nghe những câu chữ đứt đoạn của họ lơ lửng trong không khí một lúc rồi mới tan biến.
Tôi nghĩ về lời ông Daniel nói: nếu cháu đứng yên một chỗ đủ lâu, cháu sẽ cảm thấy nơi ấy là nhà." (Trích tiểu thuyết Anh "10 điều tôi học được về tình yêu")
"10 điều tôi học được về tình yêu" được viết rất đẹp ở các chi tiết nhỏ, với những nếp gấp bí mật giấu kín mà tác giả Sarah Butler chỉ bung mở dần dần qua từng đoạn tự sự, từng chương. Những độc giả chậm rãi sẽ vô cùng yêu thích, nhưng những độc giả thực dụng hơn lại có thể cảm thấy khó chịu vì sự dài dòng.
Đây là một cuốn tiểu thuyết đầu tay được cả New York Times, Business Insider lẫn Independent để mắt và dành cho những lời động viên, khích lệ. Chứa đựng những nét riêng đặc sắc, Sarah Butler có cách xây dựng ngôn ngữ đầy màu sắc và biểu cảm. Sử dụng kĩ thuật viết hai giọng, nhà văn Anh trẻ tuổi cũng đan cài triết lý của đạo Phật để gỡ giải một trong những nút thắt quan trọng nhất cho nhân vật của mình.
Alice – nhân vật chính của câu chuyện là một cô gái 28 tuổi, vóc người nhỏ nhắn với mái tóc đỏ xinh đẹp. Cô yêu tự do và cảm thấy xa lạ trong chính ngôi nhà của mình. Alice đã lang bạt ở tận Mông Cổ trước khi vội vã trở về nhà vì nhận được tin cha đang hấp hối.
Ngôi nhà vốn xa lạ với cô. Alice chỉ cảm thấy, mà không thể nhận biết những bi kịch của cha mẹ trước khi cô ra đời. Đó là sự quấn quyện của tình yêu, chịu đựng, sự tùy hứng, lòng yêu tự do và mọi điều khác biệt nữa giữa cha và mẹ – dù cả hai đều là người tốt.
Sự khác biệt giữa hai bọn họ đã làm nảy sinh bi kịch trước khi Alice ra đời. Nếu như trong nhiều câu chuyện khác, việc ngoại tình của người đàn ông thường hay xảy đến hơn và người phụ nữ đóng vai trò cam chịu, thì trong gia đình Alice là trường hợp ngược lại. Mẹ cô là một người phụ nữ đẹp và phóng khoáng – nhưng đồng thời bà cũng đã là một người mẹ đã gắn chặt trách nhiệm với gia đình và con cái, không thể bỏ đi theo tiếng gọi của tình yêu…
Người đàn ông vô gia cư mang tên Daniel được nhắc đến ở trong đoạn trích có liên hệ mật thiết với cuộc đời của Alice và mẹ cô. Trước đây, ông từng là một họa sĩ trẻ tài năng, một người say mê màu sắc và có tài trang trí. Một người mà mẹ Alice từng cảm thấy đó là lối thoát của cuộc đời mình.
Với những nhân vật có phần lạc lối xuyên suốt trong tác phẩm, cuốn sách dần được khép lại một cách thanh thản, an yên chứ không hề đau thương hay bi lụy. Ở cảnh cuối, một ông già vô gia cư và một cô gái trẻ xếp thành góc vuông trên mặt đất, ngắm hoàng hôn buông dần trên quảng trường London. Họ gọi đó là tự do và đứng yên để thành phố mở lòng ra đón nhận.
Một tác phẩm bình dị, chan chứa tình yêu thầm kín, hơi ấm của gia đình, và cả sự vị tha.
(Báo vietnamnet.vn giới thiệu ngày 9/11/2013)
Hồ Hương Giang
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn