Marc Levy
Marc Levy (sinh ngày 16/10/1961 tại Boulogne-Billancourt, Pháp) là nhà văn người Pháp gốc Do Thái. Marc Levy viết quyển tiểu thuyết đầu tiên của mình với tên Et si c’était vrai… (Và nếu như chuyện này là có thật hay còn gọi là “Nếu em không phải một giấc mơ”) vào năm 1998. Ông viết …
- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Những cái bóng có thể tiết lộ điều gì về chủ nhân của nó?
Câu trả lời chỉ có thể đến từ Người trộm bóng – một cậu bé có tuổi thơ chẳng mấy yên bình ở một vùng ngoại ô heo hút, bởi qua những lần cầu cứu hay trút bầu tâm sự, chúng đã trở thành bạn bè thân thiết của cậu từ lúc nào không hay.
Năm tháng trôi qua, cậu bé ngày nào đã trở thành sinh viên trường Y, những cái bóng lại song hành cùng cậu trong từng bước thăng trầm của cuộc sống, sự nghiệp và cả… TÌNH YÊU. Và lần này, những rắc rối thực sự mới bắt đầu lộ diện…
Hài hước, dịu dàng mà thấm thía, Người trộm bóng đích thực là một câu chuyện tình yêu được Marc Levy viết ở số nhiều.
***
Đôi nét về tác giả Marc Levy
Marc Levy là một trong những tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất nước Pháp, hiện sống tại Luân Đôn. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra 41 ngôn ngữ và tiêu thụ 19 triệu bản trên khắp thế giới. Đêm đầu tiên là tiểu thuyết thứ mười của ông.
Những tác phẩm của Marc Levy do Nhã Nam xuất bản:
– Nếu em không phải một giấc mơ
– Kiếp sau
– Bảy ngày cho mãi mãi
– Bạn tôi tình tôi
– Gặp lại
– Em ở đâu?
– Những đứa con của tự do
– Mọi điều ta chưa nói
– Ngày đầu tiên
– Đêm đầu tiên
– Người trộm bóng
***
“Trong cuốn sách này có những tia lấp lánh của khiếu hài hước và tình yêu thương vô bờ bến, những câu hỏi đích thực về tình yêu, giác quan thiên bẩm trong việc kiến tạo và trí tưởng tượng luôn tuyệt vời đã tạo nên những cuộc phiêu lưu của con người. Thêm một lần nữa, phép thuật lại phát huy tác dụng.” – Le Parisien
“Nhân vật chính của Người trộm bóng gợi nhớ gương mặt đã đi vào huyền thoại của Holden Caulfield, nhân vật chính trong Bắt trẻ đồng xanh của J.-D.Salinger.” – Le Télégramme
“Trong Người trộm bóng, Marc Levy đã biết tận dụng bản tính vô cùng nhạy cảm của mình, đúc rút kinh nghiệm cá nhân thành nguồn nuôi dưỡng các nhân vật và câu chuyện của ông. (…) Diễn biến tâm lý nhân vật logic và khả năng xây dựng một câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp sẽ khiến người hâm mộ không phải thất vọng. – Le Figaro
“Lại thêm một thành công hoàn toàn nằm trong dự kiến. Marc Levy đã viết nên Người trộm bóng như một câu chuyện triết lý… Câu chuyện cảm động về một cậu nhóc lẻn vào cái bóng của những người khác và qua đó nhận biết những suy nghĩ, hy vọng, đau đớn thống khổ của họ. Một câu chuyện trong đó Marc Levy đã lộ diện đôi chút, hẳn là thế.” – Paris-Normandie
Mời bạn đón đọc.
Marc Levy và cuốn tiểu thuyết thứ 12
SGTT.VN – Sau bộ tiểu thuyết Ngày đầu tiên và Đêm đầu tiên, nhà văn Pháp được độc giả Việt Nam yêu mến, Marc Levy, đã trở lại với Người trộm bóng, cuốn tiểu thuyết thứ 12 trong sự nghiệp sáng tác của Marc Levy.
Marc Levy đã viết nên Người trộm bóng như một câu chuyện triết lý cảm động về một cậu nhóc lẻn vào cái bóng của người khác và qua đó nhận biết những suy nghĩ, hy vọng, đau đớn, thống khổ của họ. Nhật báo Le Télégramme nhận xét: "Nhân vật chính của Người trộm bóng gợi nhớ gương mặt đã đi vào huyền thoại của Holden Caulfield, nhân vật chính trong Bắt trẻ đồng xanh của J.D.Salinger". NXB Hội nhà văn và Nhã Nam ấn hành, người dịch Lê Đình Chi.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Đọc Lolita ở Hà Nội
SGTT.VN – Không lâu sau khi Lolita xuất bản lần đầu tiên, Nabokov viết tiểu luận “Về một cuốn sách nhan đề Lolita”, được dùng làm “hậu từ” cho các ấn bản sau này. Trong tiểu luận ấy, Nabokov viết: “Lolita là ký sự về cuộc tình của tôi với […] tiếng Anh” (Lolita, Dương Tường dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, tr. 431).
Cuộc tình đó, theo một liên tưởng thông thường, ắt hẳn thừa đam mê và dục vọng "cuồng khấu" (từ xuất hiện nhiều lần trong bản dịch tiếng Việt) và không thiếu gian truân, những lầm lạc và khổ đau kéo dài, như cuộc tình giữa Lolita tức Dolores Haze và Humbert Humbert (cuộc tình kỳ quái đến mức Nabokov kể trong cùng bài tiểu luận, với rất nhiều mỉa mai, rằng "một biên tập viên thông minh […] đã nhận định Lolita là "Châu Âu già hủ hoá châu Mỹ trẻ", trong khi một tay đọc lướt khác lại thấy trong đó hình ảnh của "Châu Mỹ trẻ hủ hoá châu Âu già"" – tr.426 – 427).
Sự điên rồ đã được Humbert Humbert nhấn mạnh bằng những con số: trong quãng thời gian một năm dọc ngang nước Mỹ cùng Lolita, không gian mà hai nhân vật chính vượt qua rộng lớn đến choáng ngợp: họ đã đi hết 43.000 cây số, và Humbert Humbert cũng đã đổ cả một gia sản nho nhỏ vào đây, cụ thể là từ 8.000 – 10.000 đôla (chi tiết ở cuối chương 3, phần hai).
Những cuộc tình đích thực thì như vậy: rồ dại từ ngay phút đầu tiên, và hoang phí đến không thể hiểu nổi trong mắt người ngoài.
Lolita là một thứ văn chương chính xác giống như thứ tình ái phung phí ấy, một cuốn tiểu thuyết xa xỉ đến khó tin trong lịch sử văn chương. Nabokov, xử sự đúng như tư cách một người giàu có giống như ông đòi hỏi, tung vào đây vô cùng hào phóng những suy tư bất tuyệt, những kho từ ngữ được khai thác theo đủ mọi hướng, đặc biệt là tầng tầng lớp lớp những ngón chơi chữ chỉ có thể tìm thấy trong văn Nabokov. Ông cũng hào phóng gài bẫy, đánh đố độc giả, thách thức sự hiểu biết, khả năng liên hệ và cả trí nhớ. Thú sưu tầm bướm nổi tiếng (Dolores, tên chính thức của Lolita, chính là địa điểm nơi Nabokov tìm ra giống bướm sau đó sẽ mang tên ông; trong lịch sử chuyên ngành nghiên cứu bướm, Nabokov chiếm giữ một địa vị không hề nhỏ) cùng tài đánh cờ của Nabokov (trong Lolita cũng có những ván cờ đầy hài hước giữa Humbert Humbert và Gaston Godin), đó là những tập dượt giúp bồi đắp cho ông sự tỉ mỉ và suy nghĩ logic, mà ông đã thể hiện tinh vi đến choáng ngợp trong Lolita.
Mà tất cả mọi thứ đều nằm gọn vào trong một cuốn tiểu thuyết dung lượng không đặc biệt lớn. Một người hào phóng trước hết cũng phải là người có đủ sở hữu để có thể hào phóng. Và người hào phóng cũng là người dám bỏ hết mọi thứ mình có vào một "ván cờ văn chương". Thế mà cùng nhà văn ấy vẫn còn viết ra những kiệt tác nữa, những Ada, Pale Fire, hay đến cả hồi ký (mang tên Speak, Memory) cũng lại là văn chương xuất chúng. Và tuy thế, Nabokov còn cho biết trong bài "hậu từ" cho Lolita lừng danh của mình: "Bi kịch riêng tư của tôi, vốn dĩ không thể và thực ra không nên liên quan đến bất kỳ ai, là phải bỏ đặc ngữ tự nhiên của tôi, tiếng Nga phóng khoáng, phong phú và cực kỳ dễ khiển của tôi để dùng một thứ tiếng Anh hạng hai, thiếu mọi phụ tùng…" (tr. 431).
Điều bất ngờ lớn nhất chờ đợi độc giả lần đầu chạm tới Lolita, là tưởng chừng như sẽ thấy một cô bé gái non nớt, nhưng họ lại thấy sự lão luyện của ngôn từ văn chương. Hơn thế nữa, có thể là giống như "bị lừa", ngỡ như gặp Lolita là gặp tính dục, nhưng thật ra ta lại gặp tình yêu.
Cuộc tình chữ nghĩa lừng danh của Nabokov ấy lần này khi được chuyển dịch sang tiếng Việt đã được thực hiện bởi dịch giả Dương Tường, người lâu nay cũng gắn liền với một châm ngôn không cách xa tinh thần của Nabokov: "ăn nằm với chữ". Tác giả và dịch giả đều không tiếc sức xa xỉ trong cuộc tình riêng của mình, nhưng lần này đã giao cắt với nhau.
CAO VIỆT DŨNG
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Người trộm bóng
PNO – Một cậu nhóc có khả năng lẻn vào cái bóng của những người khác và qua đó nhận biết được những suy nghĩ, hy vọng, đau đớn của họ
là nội dung tác phẩm Người trộm bóng (nguyên tác: The Shadow Thief) của nhà văn Marc Levy vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành qua bản dịch của Lê Đình Chi.
Trong tác phẩm này, nhân vật "tôi" kể lại những trải nghiệm thật khó quên khi "đánh cắp" cái bóng của người khác. Dù không cố ý, cậu bé này vẫn đoán biết những giấc mơ, những hy vọng, những buồn lo mà người khác hằng giấu kín. Điều oái oăm này khiến cậu từng nhiều lần rúc mình trong chăn và cầu xin đôi chân của mình làm ơn đừng giẫm vào những chiếc bóng nữa. Lại có lúc cậu bối rối không biết phải làm gì với khả năng đặc biệt này, thậm chí còn không dám thổ lộ với bất kỳ ai, kể cả người mẹ yêu dấu, dù cậu rất quý mẹ mình.
Về tình cảm mẹ con của cậu, nhà văn Marc Levy viết: "Có lẽ thời thơ ấu không phải là thứ làm tôi thấy thiếu vắng nhất kể từ lúc quay về nhà, mà đó là mẹ, là những khoảnh khắc tâm tình giữa hai chúng tôi, những buổi chiều thứ Bảy mẹ và tôi lang thang trong siêu thị, những bữa ăn hai mẹ con cùng chia sẻ vào mỗi tối, đôi lúc hoàn toàn yên lặng nhưng thật gần gũi, những tối mẹ tới phòng ngủ của tôi, nằm xuống bên tôi rồi lùa các ngón tay vào mái tóc tôi. Năm tháng chỉ trôi qua trên bề mặt. Những khoảnh khắc đơn sơ như thế luôn lưu lại mãi mãi trong ta".
Trong khi đó, dù người cha bỏ đi nhưng cậu vẫn ao ước được gặp bố và không hề thù oán.
Điều cảm động ở tác phẩm này là cậu đã có những người bạn chí thân như Luc, Cléa, Sophie… từng chia sẻ với cậu những buồn vui trong đời. Với nhóm bạn này, hạnh phúc đối với họ là những điều thật giản dị mà ai cũng có. Chẳng hạn, nhân vật Luc rời bỏ trường Y chỉ vì không phù hợp mà cậu ta muốn theo nghề của bố: "Bố là một con người khiêm nhường lặng lẽ, ông không nói nhiều, nhưng đôi mắt ông nói thay cho ông. Khi tớ làm việc cùng bố tớ ở lò bánh, nhiều khi hai bố con tớ lặng im suốt đêm, thế nhưng trong lúc đứng cạnh nhau nhào bột mì, hai bố con đã chia sẻ với nhau rất nhiều điều. Tớ muốn trở nên giống như ông. Nghề làm bánh mà ông muốn truyền đạt lại cho tớ, đó chính là công việc tớ muốn làm…".
Không chỉ trong chọn nghề mà với tình yêu cũng vậy, họ không so đo, tính toán. Nhân vật xung "tôi" thổ lộ tình cảm với một cô gái câm và điếc: "Cléa, giá như em biết với anh em là cô gái đẹp nhất trên đời, cô gái với tiếng cười khàn khàn xua tan đi những vầng mây u ám trên bầu trời, cô gái giọng âm vang như tiếng đàn violoncelle. Giá như em biết không có cô gái nào khác trên đời biết làm những cánh diều uốn lượn nhịp nhàng được như em".
Tập truyện Người trộm bóng hấp dẫn vì những ý nghĩa nhân ái này. Các nhân vật luôn nhìn cuộc đời bằng tấm lòng yêu thương…
(Báo phunuonline.com.vn giới thiệu 20/2/2013)
P.T
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn