Tuy vậy, văn bản cuốn tiếu thuyết với một sự tiết chế và lập trình của một bậc thầy, đã không rơi vào tình trạng rối rắm và tuỳ tiện. Philip Roth, nhà văn đương đại hàng đầu của Mỹ, người từng được yêu mến với hàng chục cuốn tác phẩm trước đó đã công bố cuốn tiểu thuyết mỏng này vào năm 2006, năm ông 72 tuổi. Có thể hình dung, ông viết Người phàm, qua tiểu sử một con người vô danh, hết sức riêng tư, lại truyền vào đó câu chuyện phổ quát về thân phận con người. Độ dày dặn của những trải nghiệm sống qua các biến cố trong cuộc đời nhân vật dường như cũng là những đúc kết, suy tư của tác giả về sự sống, cái chết, tuổi già, tình yêu, nỗi lo, sự dằn vặt và những đam mê.
Tuổi niên thiếu êm đềm của nhân vật ở Elizabeth, New Jersey được tái hiện qua hồi ức của người anh trai ông, Howie. Dường như những "tín hiệu" cho thấy sự hoang vắng trong một cuộc đời nhiều khúc quanh và nỗi ám ảnh thời gian đã được hé lộ qua vài chi tiết đầy nhạy cảm xảy ra với một đứa bé: khung cảnh gia đình êm đềm, những công việc không tên ở tiệm trang sức nơi lui tới của những người phù phiếm và cuối cùng, kỷ vật cuối cùng của người cha để lại cho ông là chiếc đồng hồ cũ hiệu Hamilton, trải nghiệm nỗi sợ về cái chết từ rất sớm…
Nỗi giày vò về những cơn bệnh dai dẳng từ niên thiếu kéo sang tuổi già. Day dứt vì ước mơ trở thành một hoạ sĩ vẽ tranh đã không thực hiện được (vì trách nhiệm gánh vác kinh tế gia đình, ông đã chọn con đường trở thành một giám đốc mỹ thuật trong công ty quảng cáo lớn tại New York). Nhưng, có lẽ day dứt nhất cho đến cuối đời nhân vật, không phải là nỗi lo sợ về cái chết, những cơn đau, mà là những biến cố trong hôn nhân. Đó là cuộc chia tay người vợ thứ nhất, để lại một vết thương khó lành với hai đứa con trai. Và tiếp theo đó, là cuộc chia tay người vợ thứ hai cùng đứa con gái nhỏ giàu lòng bao dung để theo đuổi một cô người mẫu Đan Mạch 24 tuổi.
Có cảm giác mỗi một biến cố là một cuộc vượt thoát những trục trặc bản thể để cố gắng xác định lại mình, tìm đến một cảm giác sống tự do hay chống lại sự lão hoá, xuống cấp thể chất và tinh thần. Vậy, kẻ thù lớn lao nhất đó chính là thời gian. Chỉ có một quỹ thời gian hạn hẹp cho một cuộc đời để sống, trải nghiệm tận hưởng hoan lạc lẫn khổ đau. Và cuộc tìm lại chính mình đã xảy ra vào cuối đời, khi nhân vật chúng ta chọn một cuộc sống đầy cô đơn bên vùng biển hoang vắng. Tại đó, ông vẽ tranh và nghe tiếng sóng, ông trải nghiệm cái chết, bệnh tật đang lấy mất đi những người thân. Nhưng cũng tại thời điểm đó, sự cô đơn giúp ông nhận ra chính là tuổi già, sự "mất tự tin trước những con sóng", sự suy thoái của cuộc đời. Ông nghĩ về bản án, sự phán xử của kẻ khác dành cho cuộc đời mình.
"Ông từng kết hôn ba lần, có cả tình nhân lẫn con cái, có một công việc thú vị và thành công trong công việc ấy, nhưng giờ dường như đời ông chỉ còn xoay quanh việc lẩn trốn cái chết và toàn bộ câu chuyện chỉ còn là về sự mục ruỗng xác thân". Đó dường như là những câu văn có sức khái quát hoá cao nhất trong cuốn sách.
Có thể thấy, những sự kiện lớn của thế giới như vụ khủng bố 11.9 đi vào trong cuốn tiểu thuyết này không ảnh hưởng trực tiếp và gây ra biến cố hay cơ hội thay đổi cuộc sống với nhân vật, song, đủ để tạo ra những cơn dư chấn, những chuyển động sâu sắc, gần như thức tỉnh trước hiện tại phù du. Người đàn ông là thị dân New York quyết định bán căn nhà để tìm về sống gần gũi với cô con gái bao dung và người vợ thứ hai bệnh tật – những người mà ông đã từng phản bội. Chính cuộc trở về này giúp ông có cảm giác được tha thứ và vun đắp cho niềm đam mê được vẽ.
Với cuốn tiểu thuyết mỏng này, Phlip Roth ném người đọc vào trong cõi mênh mông sâu thẳm của thời gian để nhìn thấy sự chóng qua, phù du của một đời người. Không chủ ý lên án về sự cuồng điên vội vã, phù phiếm cũng không bênh vực luân lý đạo đức hay lòng thuỷ chung. Ông chỉ kể về một thân phận với nhiều khúc quanh và để lại một khoảng lặng, như nhắc nhớ chúng ta về một phiên toà nào đó của nội tâm mà mỗi người đều có thể là bị cáo. Nhưng, dường như ông cũng âm thầm bảo vệ những niềm say mê trong đời (dù đó là những say mê khiến con người lầm lạc) với một cái nhìn nuối tiếc và độ lượng.
Vì anh ta đã sống một cuộc sống của một người phàm.
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn